Đây là đường tốc độ nhanh kết nối từ khu Nam TP HCM đến sân bay Long Thành.
Mới đây, theo nghiên cứu của Sở Giao thông công chánh TP HCM, tuyến đường tốc độ nhanh (bao gồm ít giao cắt, ít gián đoạn) kết nối sân bay Long Thành có điểm đầu tại đường Nguyễn Hữu Thọ (trục Bắc - Nam), huyện Nhà Bè, TP HCM. Điểm cuối của tuyến giao đường Liên Cảng huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hướng tuyến đường tốc độ nhanh dự án bắt đầu tại đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo hướng Đông, kết nối vào đường Hoàng Quốc Việt đến đường Đào Trí, vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Liên Cảng, kết nối vào đường 25C (thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Theo Sở Giao thông công chánh TP HCM, dự án tuyến đường tốc độ nhanh dài khoảng 16,7km, quy mô có 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 21.484 tỷ đồng. Tuyến đường tốc độ nhanh cầu đường Phú Mỹ 2 sẽ cùng với những tuyến trên cao trục đường Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) và đường 25C (Đồng Nai) tạo trục giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Tuyến đường này cũng kết nối khu đô thị Nam Sài Gòn và thành phố mới Nhơn Trạch, tạo động lực phát triển mới, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng.
Mới đây nhất, lãnh đạo TP HCM và tỉnh Đồng Nai đã thảo luận và thống nhất về các thủ tục tiếp theo để giao UBND TP HCM làm cơ quan chủ quản tổ chức triển khai đầu tư dự án theo quy định. Dự án này được đặt mục tiêu thông qua chủ trương đầu tư trong quý 4/2025 và khởi công năm 2027.

Theo Sở Giao thông công chánh TP HCM, ngoài các dự án cửa ngõ, đường vành đai, cao tốc đang triển khai, TP HCM đang nghiên cứu xây dựng mạng lưới với khoảng 10 tuyến đường trục chính tốc độ nhanh kết nối trung tâm với đường liên vùng. Đây là ý tưởng rất mới được ngành giao thông nghiên cứu, đề xuất. Ý tưởng này hiện đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch TP HCM thời kỳ từ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Đặc biệt, đường trục chính tốc độ nhanh có thể làm trên cao, dưới thấp, đi ngầm hoặc kết hợp tùy tình hình thực tế.
Đối với hướng kết nối giữa TP HCM và Đồng Nai, dự kiến hai địa phương này sẽ thành lập Ban chỉ đạo chung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, về đường bộ, TP HCM và Đồng Nai đã xác định sẽ tập trung nguồn lực xây dựng nhanh ba dự án, bao gồm: cầu đường Phú Mỹ 2, cầu Cát Lái và cầu Đồng Nai 2. Đồng thời, kết nối về đường sắt giữa hai địa phương cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đáng chú ý, tuyến metro số 1 TP HCM sẽ kéo dài về Trảng Bom hiện đang được tỉnh Đồng Nai tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Về đường sắt, hiện TP HCM đã đề xuất bổ sung vào danh mục dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt Nghị quyết 188 của Quốc hội về phát triển đường sắt đô thị tại TP HCM và TP Hà Nội.
Ngoài ra, theo Sở Giao thông công chánh TP HCM, người dân có thể đến trung tâm thành phố bằng cách đi tàu cao tốc đường thủy đến sân bay Long Thành.
Theo dự kiến, trong tháng 5 này, Sở Giao thông công chánh TP HCM sẽ tiến hành tổ chức lấy ý kiến của các sở ban ngành có liên quan và tổng hợp trình UBND TP về việc thành lập tổ công tác, mời gọi doanh nghiệp tham gia khai thác tuyến tàu cao tốc di chuyển từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến du thuyền SwanBay (tại Nhơn Trạch, Đồng Nai).
"Khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì các dự án giao thông kết nối cũng phải xong"

Sân bay quốc tế Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia và nhiều lần được Thủ tướng tới công trường kiểm tra. Sân bay rộng 5.000 ha, với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,3 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 1 (dự kiến khai thác vào năm 2026), sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay này có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sau khi đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Long Thành sẽ nằm cách TP HCM khoảng 40 km. Sân bay mới này được xây dựng nhằm giảm bớt áp lực cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất của TP HCM và sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội; đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao cho người dân ở Đồng Nai.
Vào ngày 29/3/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 được nâng lên hơn 109.717 tỷ đồng (tương đương với hơn 4,2 tỷ USD). Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được thực hiện từ 2020 -2026, trong đó cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Dự án sân bay Long Thành bắt đầu khởi công đầu năm 2021. Dự án đang ở giai đoạn 1, với việc xây dựng đường cất hạ cánh dài 4.000 m, rộng 75 m, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo quyết định điều chỉnh lần này, dự án thành phần 3 (bao gồm các công trình thiết yếu của sân bay) sẽ do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện. Các hạng mục chính bao gồm hạ tầng khu bay, sân đỗ tàu bay, hệ thống cung cấp nhiên liệu, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa số 1, bãi đỗ xe và tòa nhà điều hành cảng cùng các công trình phụ trợ khác.

Vào chiều 20/3/2025, trong chuyến công tác kiểm tra công trường xây dựng sân bay Long Thành và 2 tuyến đường kết nối sân bay, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, chậm nhất tới ngày 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành. Theo Thủ tướng, khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì các dự án giao thông kết nối cũng phải xong.
Thủ tướng bày tỏ niềm phấn khởi vì đến nay công trình đã có hình hài rõ nét, nhưng chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu và các bộ, ngành liên quan cần quán triệt mục tiêu không thay đổi của dự án là cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026.