Theo Nikkei Asia, Toyota đang ở trong tình thế bất thường khi phải từ chối đơn đặt hàng cho một nửa các mẫu xe của mình tại các đại lý ở Nhật Bản. Nguyên nhân là do những hạn chế về nguồn cung còn tồn đọng kể từ sau đại dịch.
Theo khảo sát tại các đại lý của Nikkei về tình hình bán hàng của 20 mẫu xe tiêu dùng phổ biến: Kể từ giữa tháng 11, mẫu xe tải nhỏ Alphard đã không còn nhận đơn đặt hàng. Công ty cũng đã ngừng nhận đơn đặt hàng mẫu xe thể thao đa dụng Land Cruiser 300 do lo ngại về việc đáp ứng đơn đặt hàng trước khi mẫu xe mới sắp ra mắt.
Mặc dù thời gian thay đổi tùy theo đại lý, nhưng đơn đặt hàng cho Alphard phiên bản mới nhất (được phát hành vào cuối tháng 6), đã bị hạn chế từ khoảng đầu tháng 7. Đơn đặt hàng cho mẫu xe Aqua đã bị tạm dừng từ khoảng tháng 9.
Một số mẫu xe, như Harrier SUV và Corolla Cross, không bị hạn chế bán hàng. Những tác động này đã khiến đơn đặt hàng bị suy giảm, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10, chỉ có duy nhất 2 tháng các hãng chứng kiến doanh số tăng trưởng dương. Doanh số bán hàng giảm đặc biệt trong tháng 8, tháng thường có nhu cầu mạnh mẽ vào năm trước khi mẫu xe hatchback Sienta mới ra mắt.
Hầu hết nhà sản xuất ô tô khác không gặp phải những vấn đề tương tự. Theo Nikkei, đây là 3 yếu tố mà Toyota đang gặp phải:
Thứ nhất là nhu cầu vượt quá khả năng sản xuất. Toyota đã nâng dự báo sản lượng nội địa cho xe Toyota và Lexus trong năm tài chính 2023 thêm 90.000 chiếc so với dự báo ban đầu lên 3,34 triệu chiếc, cao hơn mức 3,3 triệu chiếc mà họ đã dự kiến cho năm tài chính trước đại dịch 2019.
Doanh số bán hàng trong nước trong tháng 10 tăng 18% so với cùng kỳ lên 133.996 xe, tháng tăng thứ 10 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội đại lý ô tô Nhật Bản, thị phần của Toyota trên thị trường ô tô nội địa từ trong quý 3 đã tăng gần 10 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 50%.
Một yếu tố khác có thể là lượng đơn đặt hàng lớn tồn đọng của nhà sản xuất ô tô. Trong hệ thống sản xuất của Toyota, ô tô chỉ được sản xuất theo đơn đặt hàng nhằm giảm thiểu hàng tồn kho và lãng phí. Khi sản xuất giảm do thiếu chip trong thời kỳ bùng phát dịch, công ty vẫn nhận đơn đặt hàng. Vào thời điểm cao điểm, lượng tồn đọng lên tới khoảng 1 triệu xe.
Một sự thay đổi mà công ty thực hiện để tích hợp các kênh bán hàng vào năm 2020 cũng có thể là nguyên nhân. Các đại lý Toyota trước đây được chia thành bốn loại, với một số mẫu xe nhất định luôn có sẵn. Nhưng giờ đây, bất kỳ mẫu xe Toyota nào cũng có thể được mua tại bất kỳ đại lý nào. Một giám đốc điều hành đại lý cho biết điều này đã dẫn đến các đơn đặt hàng dồn dập cho một số mẫu xe phổ biến và số lượng đơn đặt hàng bị hủy tăng lên.
Tình hình đang có dấu hiệu cải thiện. Thời gian giao xe trung bình đã giảm từ khoảng 6 tháng vào cuối năm 2022 xuống chỉ còn dưới 5 tháng ở hiện tại. Một số nguồn tin cho biết sẽ còn tiếp tục giảm xuống còn khoảng 4 tháng vào mùa xuân tới.
Các hạn chế đối với số lượng đơn đặt hàng mới đã được nới lỏng so với giữa tháng 11 và tình hình có thể sẽ trở lại bình thường sau mùa xuân. Nếu những nút thắt này không được tháo gỡ, rất có thể người tiêu dùng sẽ bắt đầu hướng tới các đối thủ cạnh tranh của Toyota.
Theo Nikkei Asia