Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023.
Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông và Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8/2023.
Theo Vietnam Report, kể từ quý IV/2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trải qua những tháng ảm đạm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%).
Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm 2023 qua những cuộc đua hạ giá, giành thị phần càng siết chặt đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng và ghi nhận mức tăng trưởng dương (+8,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của giai đoạn trước COVID-19, từ năm 2015-2019.
Bước sang những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế, hai phần ba số doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng rằng tình hình thị trường bán lẻ sẽ phần nào có cải thiện hơn so với nửa đầu năm, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. Trong khi đó, một phần ba số doanh nghiệp còn lại có góc nhìn tiêu cực hơn cho rằng, với dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng. Do đó, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.
Saigon Coop thăng hạng, xuất hiện 2 cái tên mới
Ở nhóm Siêu thị, tổng hợp, đại gia bán lẻ Thái Lan Central Retail (sở hữu Go!, Tops Market, ...) tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng uy tín với chỉ số tài chính tốt nhất. Ở các vị trí tiếp theo, có sự hoán đổi giữa Saigon Coop và WinCommerce (gồm WinMart/Winmart+) khi Saigon Corp vươn lên vị trí thứ 2 với chỉ số tài chính và truyền thông tốt hơn chuỗi bán lẻ của tỷ phú Phạm Đăng Quang.
Ở 2 vị trí cuối của top 10, có sự xuất hiện của 2 cái tên mới là BRG Mart và Family Mart thay thế cho Hapro và IPPG trong năm trước.
Một số gương mặt thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ ngoại chiếm sóng thị trường bán lẻ nội địa ngoài Central Retail còn có Mega Market (top 4), Aeon Mall (top 5) và Lotte Mart (top 7).
Thế giới di động dẫn đầu, FPT Retail vượt trội về chỉ số truyền thông
Ở nhóm Điện máy, điện lạnh, thiết bị số, sách báo, văn phòng phẩm, CTCP Đầu tư Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài giữ vững vị trí quán quân, với 2 chỉ số đánh giá tài chính và qua khảo sát đều cao nhất. Theo sau là FPT Retail với chỉ số truyền thông vượt trội.
Một số cái tên quen thuộc cũng xuất hiện là Viettel Store, Cao Phong – chủ siêu thị Chợ Lớn, DigiWorld, MediaMart, ...
PNJ dẫn đầu cả 3 chỉ số
Ở nhóm Kim hoàn, Vietnam Report chỉ xếp hạng top 5, với PNJ đứng đầu với cả 3 chỉ số đều tốt nhất. Doji có chỉ số tài chính không chênh lệch nhiều so với PNJ nhưng do 2 chỉ số còn lại thấp hơn nên đứng thứ 2, sau đó là SJC.
Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Bảo tín Minh Châu và Vàng bạc đá quý Ngọc Thẩm.