Tổng giám đốc VEC: Chuyển mình để đón vận hội mới

PV | 15:53 05/10/2024

Bước qua quãng thời gian khó khăn nhất, VEC sẽ sớm triển khai tái cơ cấu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến tới xây dựng bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, chuyên môn hoá cao với tiềm lực mới để đón vận hội mới.

Tổng giám đốc VEC: Chuyển mình để đón vận hội mới
Ông Phạm Hồng Quang - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc VEC.

Doanh thu tăng, hạ tầng khai thác ổn định

Những ngày này, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuẩn bị bước sang tuổi 20, tôi không khỏi bồi hồi khi nhìn lại một chặng đường VEC đã đi qua, đầy gian nan nhưng cũng có được những thành tựu rất đỗi tự hào.

Sau hai thập kỷ thành lập và hoạt động, VEC đã góp phần thực hiện mục tiêu phục vụ chiến lược phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia thông qua việc đầu tư 05 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 540 km, tổng mức đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng được huy động từ các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Với vai trò quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc Nhà nước giao, VEC đã đưa vào khai thác ổn định 490 km thuộc 04/05 dự án đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây), chiếm hơn 27% tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đang vận hành khai thác, phục vụ trên 400 triệu lượt phương tiện.

noi-bai-lao-cai.jpg
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Int

Tổng doanh thu thu phí (không bao gồm VAT) đạt hơn 30.000 tỷ đồng, đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được phê duyệt.

Các tuyến đường bộ cao tốc do VEC đưa vào khai thác giúp tiết kiệm thời gian lưu thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến.

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển VEC, kỳ vọng xây dựng Tổng công ty trở thành doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu, mang tính dẫn dắt trong đầu tư, phát triển và khai thác vận hành đường bộ cao tốc tại Việt Nam, Chính phủ đã ủng hộ tối đa VEC với những cơ chế, chính sách đặc thù.

Việc tháo gỡ khó khăn về năng lực tài chính của các dự án thông qua việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 05 dự án đường bộ cao tốc VEC đang quản lý là một ví dụ điển hình.

Trông chờ một nền tảng vững chắc

Bức tranh kinh doanh đang trên đà khởi sắc, song, ít ai biết được, phía sau những thành tựu ấy, VEC từng có thời điểm “lạc” trong bóng tối mà nếu không có sự bền bỉ, nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên, người lao động thì chắc hẳn, kết quả kinh doanh ngày hôm nay sẽ không thể vụt sáng.

Trước đó, theo Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ GTVT phê duyệt, VEC tiếp tục thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (đoạn Chi Lăng đi cửa khẩu) và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2016.

Tháng 10/2017, Dự án được Bộ GTVT quyết định chuyển sang hình thức đầu tư PPP và giao cho đơn vị khác thực hiện. Mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác dự án này vào năm 2020 không thể thực hiện.

Trong giai đoạn này, VEC cũng chủ động nghiên cứu đề xuất đầu tư Dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Dự án nối hai cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây với Bến Lức - Long Thành; Nghiên cứu tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP đối với 03 đoạn tuyến cao tốc thuộc trục cao tốc Bắc - Nam: Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết.

cau-gie-ninh-binh.jpg
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Int

Bảo đảm nguồn lực tham gia các dự án, Tổng công ty tích cực phối hợp làm việc với một số tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu đề xuất các hình thức huy động vốn.

Tuy nhiên, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 05 dự án đường bộ cao tốc của VEC khiến tiến trình điều chỉnh tăng vốn điều lệ của VEC không thực hiện. Mục tiêu đầu tư dự án cao tốc mới một lần nữa bất thành.

Thẳng thắn nhìn nhận, dù ra đời với tư cách là mô hình đặc thù đầu tiên trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (là doanh nghiệp Nhà nước vừa đầu tư, vừa quản lý khai thác và thu phí hoàn vốn), song cho đến hiện tại, VEC vẫn thiếu một nền tảng vững chắc để bứt tốc, phát huy hiệu quả dòng vốn ngân sách Nhà nước theo đúng kỳ vọng.

Vốn điều lệ thấp so với quy mô đầu tư, không đảm bảo tỷ lệ hệ số nợ/vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Khung pháp lý cho hoạt động đầu tư, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác, kinh doanh hoàn vốn của VEC vừa thiếu và vừa chưa ổn định. VEC mới được áp dụng một số cơ chế thí điểm dưới hình thức là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bị chi phối bởi các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn như Luật, Nghị định, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội nên một số cơ chế không còn hiệu lực, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tái cơ cấu vì mục tiêu “dùng hạ tầng đẻ ra hạ tầng”

Trong giai đoạn 2021 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các cơ quan ban ngành liên quan, một trong những kết quả nổi bật nhất về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đó là đã hoàn thành báo cáo và được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua nội dung chuyển vốn vay về cho vay lại sang cấp phát ngân sách nhà nước đối với 04 dự án đường cao tốc của VEC.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện tăng vốn điều lệ cho VEC.

Ngày 09/02/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 488/VPCP-DMDN gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án tái cơ cấu VEC, duy trì mô hình doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đây là những tiền đề hết sức thuận lợi tạo điều kiện cho VEC phát triển ổn định, bền vững.

Kinh nghiệm từ một số nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, việc thực hiện các dự án phát triển đường bộ cao tốc thông qua doanh nghiệp Nhà nước khắc phục được những hạn chế trong mô hình đầu tư công truyền thống và đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Nhằm phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, một số giải pháp thực hiện tái cơ cấu đã nhanh chóng được nghiên cứu, đề xuất.

Một là, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ đặt ra về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 05 dự án do VEC làm chủ đầu tư, nhất là các nội dung như: hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 05 dự án, tăng vốn điều lệ...

Trên cơ sở phương án tái cơ cấu được duyệt, VEC sẽ tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền và các Bộ ngành liên quan thực hiện các thủ tục, hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ lên 44.543 tỷ đồng vào năm 2026 trên cơ sở nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án.

Hai là, khắc phục những hạn chế, vướng mắc về cơ chế chính sách, gồm: sự tham gia của Nhà nước thông qua cơ cấu vốn đầu tư vào các dự án; Vốn điều lệ của doanh nghiệp; Bảo lãnh của Nhà nước để tiếp cận nguồn vốn vay thương mại ưu đãi; Xác định tính chất tài sản (để chủ động trong sản xuất kinh doanh, quản lý, thu phí, vận hành, khai thác đường bộ cao tốc).

Nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Chính phủ phê duyệt, VEC mong muốn nhận được quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước về chủ trương giao VEC quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tăng vốn điều lệ theo lộ trình trên cơ sở phần vốn Nhà nước đầu tư vào các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Cơ chế này thực hiện hiệu quả sẽ giúp phần vốn nhà nước phát huy hiệu quả theo đúng chủ trương “dùng hạ tầng đẻ ra hạ tầng”, không làm phát sinh thêm khoản chi ngân sách nhà nước và nợ công.

Ba là, ổn định, cơ cấu lại bộ máy tổ chức để đảm bảo hoạt động của VEC tinh gọn, hiệu quả và thể hiện được vai trò dẫn dắt, nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.

Cơ cấu lại bộ máy tổ chức, tập trung trên hai lĩnh vực chính: lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực quản lý vận hành, khai thác đường bộ cao tốc.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, VEC sẽ ủy quyền triệt để cho các Ban QLDA. Các Ban QLDA sẽ được sắp xếp lại bộ máy, bổ sung chức năng nhiệm vụ để hoạt động với vai trò là đại diện chủ đầu tư, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư, tham gia thực hiện các dịch vụ tư vấn QLDA, tư vấn giám sát… đối với các dự án đầu tư đường bộ cao tốc do chủ đầu tư khác quản lý.

Trong quản lý vận hành, khai thác, mục tiêu đặt ra là hoàn thiện hành lang pháp lý để chủ động trong công tác quản lý vận hành, khai thác đường bộ cao tốc bằng cách tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để hạch toán, tăng vốn điều lệ và giao tài sản hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc cho VEC quản lý.

Cùng với đó, là xây dựng cơ cấu tổ chức, mô hình vận hành khai thác lại theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, có sự phân công phân cấp cụ thể, tinh gọn đầu mối; Từng bước chuyển đổi, cơ cấu lại, bổ sung chức năng nhiệm vụ đối với một số đơn vị trực thuộc để phù hợp với mô hình vận hành khai thác mới; Tổ chức bộ phận quản lý, phát triển kinh doanh dịch vụ đường cao tốc.

Công tác rà soát, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Đường bộ, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu... và các văn bản pháp luật khác có liên quan cũng sẽ được tập trung thực hiện. Mục tiêu nhằm khắc phục vướng mắc phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vấn đề giao vốn, giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tổng giám đốc VEC: Chuyển mình để đón vận hội mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO