Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ 5 trọng tâm đột phá thể chế, pháp luật

PV | 10:26 05/05/2025

Trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đưa đất nước vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ 5 trọng tâm đột phá thể chế, pháp luật
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, ngày 30/04/2025, trong không khí thiêng liêng và hào hùng của dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới" - một Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng với nhiều quyết sách chiến lược.

Mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Để đưa Nghị quyết số 66-NQ/TW vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần quán triệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, nhất là những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo toàn diện, trực tiếp việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên của các bộ, ngành Trung ương. Người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.

Thứ hai, đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được.

Các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Coi trọng, chủ động nghiên cứu chiến lược, chính sách từ sớm, từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của thế giới, góp phần tăng cường tính dự báo và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh một số bộ luật, luật quy định về quyền con người, quyền công dân, tố tụng tư pháp cần cụ thể, về cơ bản các luật khác, nhất là luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Trong thời gian trước mắt, cần tập trung xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; sự bình đằng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng cải cách tư pháp.

Thứ ba, tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật. Phát huy cao độ tinh thần phục vụ Nhân dân, tư duy kiến tạo phát triển, hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ưu tiên bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trong các lĩnh vực dân sinh quan trọng khác. Tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Chú trọng công tác giải thích pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật. Tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế kịp thời nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức Việt Nam để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế; tham gia hiệu quả vào việc xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, định hình trật tự pháp lý quốc tế. Xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý quốc tế phát sinh, nhất là tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế. Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế; xây dựng chiến lược tăng cường sự hiện diện của các chuyên gia Việt Nam trong các tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp.

Thứ năm, thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cùng cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng của các cơ sở nghiên cứu chiến lược, chính sách, các cơ sở nghiên cứu pháp luật của các cơ quan Trung ương. Ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ và gắn với khoán chi theo kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động. Thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, để đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, chúng ta dứt khoát nói "không" với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi.

“Với bản lĩnh cùng kinh nghiệm quý báu mà Đảng ta đã tích lũy được trong 95 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, kinh nghiệm của 80 năm lãnh đạo Nhà nước xây dựng thể chế, pháp luật, nhất là kinh nghiệm trong 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân, nhất định chúng ta sẽ thành công trong đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, phát triển. Xây dựng đất nước ta "bằng mười ngày nay" như tâm nguyện của bác Hồ từng mong mỏi”, Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đưa đất nước vươn mình”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ 5 trọng tâm đột phá thể chế, pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO