Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 50 km về phía nam, Hà Nam là tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước (sau Bắc Ninh) với diện tích là 851 km². Nơi đây có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ giao thương từ Thủ đô đi các tỉnh phía nam. Tỉnh Hà Nam là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện ít nhất cả nước bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện.
Quy mô dân số của tỉnh Hà Nam là 861.832
Mật độ dân số lên tới 1.013 người/km² (theo cục Thống kê Hà Nam năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của tỉnh đạt 89 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 14.542 tỷ đồng, tương đương với số thu ngân sách của 7 tỉnh thu ngân sách ít nhất cộng lại (Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn).
Hà Nam có hệ thống đường giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường bộ quan trọng như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Nơi đây còn có lợi thế lớn về đường thủy, tạo điều kiện cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giao thương quốc tế, bởi Hà Nam có nhiều sông lớn chảy qua như: Sông Hồng, sông Đáy, sông Châu…
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kết nối các tỉnh lân cận.
Cơ sở hạ tầng của tỉnh Hà Nam đang được xây dựng đồng bộ và ngày càng hoàn chỉnh. Nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư, thu hút các dự án bất động sản, các khu đô thị với hạ tầng quy mô, hiện đại. Trong ảnh là tuyến đường 68 m đang được xây dựng. Đây là trục phát triển kinh tế chủ đạo của tỉnh Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng.
Trong những năm qua, Hà Nam phát triển nhanh chóng. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 12 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là điều kiện để thu hút được nhiều dự án đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của cả nước.
Nhờ có trữ lượng đá vôi lớn, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, Hà Nam tận dụng thế mạnh này để phát triển đa dạng các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Sản xuất vôi, xi măng… Trong tương lai, Hà Nam có thể trở thành một trong những trung tâm công nghiệp vật liệu xây dựng lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Các khu vui chơi, tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa cũng được tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện. Hà Nam có nhà thi đấu đa năng được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, quy mô xây dựng 5 tầng, sức chứa 7.500 chỗ ngồi. Nơi đây được lắp đặt trang thiết bị hiện đại gồm hệ thống điều hòa không khí, bảng điện tử, âm thanh ánh sáng… đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế.
Hà Nam cũng tập trung nhiều cơ sở đào tạo, có thể kể đến như: Trường Đại học Công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thương Mại… Trong ảnh là sinh viên trường Đại học Công nghiệp đang thực hành, nghiên cứu máy móc, thiết bị. (Ảnh: Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội).
Hà Nam có nhiều điều kiện cho phát triển du lịch, văn hóa và dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn, có thể kể đến như: Chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Bà Đanh, đền Trần Thương… Trong ảnh là chùa Tam Chúc. Ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh, có niên đại lên đến hàng nghìn năm tại Việt Nam. Quần thể chùa Tam Chúc hiện vẫn đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2048. Khi xây dựng xong, chùa Tam Chúc có thể sẽ là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới.
Là vùng đất lâu đời, Hà Nam có khoảng trên 40 làng nghề. Có những làng nghề truyền thống như: Dệt lụa Nha Xá, Trống Đọi Tam, Thêu ren xã Thanh Hà. Nơi đây cũng nổi tiếng với nhiều đặc sản tiến vua như: Cá kho Vũ Đại, chuối ngự Đại Hoàng, quýt Lý Nhân… Trong ảnh là cảnh nấu món cá kho làng Vũ Đại. Không phải là sơn hào hải vị, nhưng cá kho là món ăn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng quê đồng bằng chiêm trũng Hà Nam. Đây cũng là món ăn làm nên thương hiệu của làng, góp phần không nhỏ vào quá trình “thay da đổi thịt” của làng Vũ Đại.
Bản đồ hành chính tỉnh Hà Nam.