Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Long An, một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ), ghi nhận tích cực. Trong đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh có sự tăng trưởng tốt.
Cụ thể, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 của Long An đạt 12,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,69%; nhập khẩu 5,4 tỷ USD, tăng 25,58%, theo Báo Long An.
Trong năm 2024, thị trường xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp không ngừng mở rộng. Hàng hóa của doanh nghiệp Long An xuất khẩu đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2025, Long An đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,8 tỷ USD.
Là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2024, kinh tế của TP Cần Thơ cũng khởi sắc. Theo đó, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố tăng 7,12% so với năm 2023; quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt 133.065 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 105,07 triệu đồng. Giá trị năng suất lao động đạt 216,32 triệu đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước thực hiện 2,2 tỷ USD, tăng 4,91%; trong đó kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, theo Doanh nghiệp Tiếp thị.
Như vậy, trong năm 2024, Long An ghi nhận xuất khẩu cao gấp 4,4 lần TP Cần Thơ.
Long An, Cần Thơ đều sẽ tăng số khu công nghiệp hiện có
Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh Long An sẽ có 51 khu công nghiệp với diện tích gần 12.500ha. Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.800ha.
Theo thống kê từ UBND Long An, toàn tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,72%; có 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 600 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,62%. Với số lượng này, theo quy hoạch đến năm 2030, Long An sẽ trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Theo quy hoạch, tỉnh Long An thực hiện thu hút đầu tư đối với danh mục gồm 27 dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây là các dự án cụm công nghiệp được thành lập mới được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh; trong đó, một số địa phương có nhiều dự án cụm công nghiệp đang thu hút đầu tư như huyện Đức Huệ có 7 dự án, huyện Đức Hòa có 5 dự án, huyện Cần Đước có 3 dự án…
Theo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Cần Thơ sẽ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha…
Cần Thơ có 7 khu công nghiệp đã thành lập, tổng diện tích hơn 987 ha, gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc 1 (135 ha), Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (155 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (262 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2 (67 ha), Khu công nghiệp Thốt Nốt (74,87 ha), Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (293,7 ha).
Bên cạnh đó, Cần Thơ định hướng thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới, có tổng diện tích hơn 6.485 ha (tăng 6,5 lần so với diện tích hiện tại), khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, gồm: Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) với diện tích hơn 606 ha; Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 (519 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 3 (675,45 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4 (815 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 5 (2.550 ha); Khu công nghiệp Cờ đỏ - Thới Lai (1.070 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn (250 ha).