Dừa rớt giá thê thảm
Trong những ngày qua, dù đã vào chính vụ nhưng giá dừa miền Tây lại ở mức thấp, thương lái chỉ thu mua 1.500-2.900 đồng mỗi quả.
Mỗi năm đến mùa mưa, dừa cho trái nhiều nên giá có phần giảm so với thời điểm khác. Những năm trước, mùa này giá dừa tươi thấp nhất 60.000 -70.000 đồng một chục 12 quả. Tuy nhiên, trong một năm qua, nhiều lần giá dừa đã liên tục lao dốc. Trái ngược với giá dừa khô đang tăng (khoảng 70.000 đồng – 90.000 đồng/ chục 12 trái) thì dừa xiêm lại rớt giá thê thảm, thậm chí thương lái không mua.
Hiện giá dừa xiêm xanh đang được thương lái thu mua khoảng 30.000 đồng – 40.000 đồng/chục 12 trái. Tuy nhiên, với những vườn trái nhỏ thì phải bù, 2 trái tính 1 trái.
Còn dừa xiêm đỏ Mã Lai hiện thương lái chỉ mua với giá khoảng 17.000 đồng – 20.000 đồng/chục 12 trái, giảm khoảng 40.000 đồng/chục 12 trái so với thời điểm cách đây khoảng nửa năm trước.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều nước có diện tích trồng dừa lớn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines... bị tồn đọng hàng, do đó, dừa xuất khẩu ra thế giới không được tiêu thụ mạnh như trước.
Ở thị trường trong nước, do đang vào mùa mưa và mùa trái cây, nên thị trường tiêu thụ dừa rất chậm. Cùng với đó, năng suất dừa hiện nay tăng cao do vào vụ mùa nên nguồn cung dồi dào làm cho giá dừa xuống thấp.
Thương nhân từ chối thu mua khiến cho dừa lên mộng, nông dân phải cắn răng bán dừa khô ứ đọng với giá như cho, thậm chí trái dừa lên mộng được xem như thứ vứt đi vì không ai mua, nhất là ở vùng trồng nhiều dừa như miền Tây.
Tại Bến Tre, nơi được mệnh danh là xứ dừa của Việt Nam với hơn 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước, cũng không thoát khỏi tình trạng rớt giá sâu. Hiện tại, chất lượng dừa của Bến Tre trong hơn một năm nay đã giảm mạnh bởi nhiều nhà vườn không đủ chi phí để chăm sóc, bón phân.
Trái ngược với dừa, sầu riêng lại đang lên cơn "sốt giá". Hiện sầu riêng đang được bán tại vườn với giá 105.000 đồng một kg, còn ở các kho lên tới 130.000 đồng, tăng 50-60% so với tháng 10.
Đầu tháng 11, một số doanh nghiệp thu mua sầu riêng tại Tiền Giang báo giá thu mua sầu riêng Ri 6 tại kho lên mức 123.000 đồng/kg (loại 1 và loại 2); 106.000 đồng/kg (loại 3) và hàng dạt lên mức 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Đối với sầu riêng Monthong, giá tại kho hàng loại 1 là 145.000 đồng/kg, loại 2 là 130.000 đồng/kg, cao hơn đến 30.000 – 40.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đây, thời điểm Đắk Lắk vẫn còn hàng.
Các đầu mối thu mua cho biết hàng đứt lứa, sản lượng thấp nhưng nhu cầu từ nội địa và thị trường tăng cao đẩy giá tăng đột biến.
Theo đó, mùa cao điểm sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên đã gần hết, chỉ còn lại sầu riêng trái vụ với diện tích nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sản lượng khoảng 260.000 tấn.
Tương tự, tại miền Tây diện tích sầu riêng trái vụ cũng chỉ còn lác đác. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn cao. Các nguồn cung cho thị trường này từ Thái Lan, Philippines đã hết hàng. Riêng Malaysia còn hàng đông lạnh và giá cao gấp 2-3 lần so với hàng Việt.
Thời gian tới, hàng càng khan hiếm, sầu riêng có thể còn tăng giá tiếp. Như năm ngoái từng có đợt sầu riêng trái vụ tại vườn lên đến 200.000 đồng/kg.