Mới đây, Chính phủ chính thức ban hành Quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại Thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Tới năm 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, trong đó có 14 cảng quốc tế và 16 cảng nội địa. Ngoài các sân bay hiện hữu hoặc đang xây dựng, giai đoạn này xác định đầu tư thêm sân bay: Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị, Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai).
Tiếp tục quy hoạch sân bay Tiên Lãng để tiến tới thay thế sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 sân bay. Trong đó, 14 sân bay quốc tế tiếp tục được giữ, sân bay Hải Phòng mới sẽ thay sân bay Cát Bi - sân bay Cát Bi chuyển thành sân bay nội địa. Với sân bay nội địa, ngoài hạ cấp sân bay Cát Bi, chỉ bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Các địa phương dự kiến có sân bay thuộc diện xem xét bổ sung sau, gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội (sân bay Gia Lâm), Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh.
Như vậy, sân bay của tỉnh Tây Ninh thuộc diện xem xét bổ sung sau. Trước đó, địa phương bày tỏ mong muốn bổ sung vào quy hoạch này một sân bay đặt tại huyện Dương Minh Châu thuộc tỉnh.
Hồi cuối 2022, tỉnh này thông qua Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Tây Ninh định hướng quy hoạch cảng hàng không Tây Ninh cấp 4E, đáp ứng khai thác các loại máy bay cỡ lớn A350, B787, A320, A321, ATR72, F70, các dòng máy bay tư nhân. Công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm, hàng hoá khoảng 2.000 tấn/năm; đến năm 2050 khoảng 2 triệu hành khách/năm, hàng hoá khoảng 5.000 tấn/năm.
Cảng hàng không có chức năng dân dụng, thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa thường kỳ và một số tuyến bay quốc tế, có chức năng vận tải hàng hoá kết hợp với du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và hỗ trợ, phục vụ phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát.
Tây Ninh cũng dự kiến dành quỹ đất sử dụng quy hoạch cảng hàng không khoảng 500 ha, bảo đảm quy mô đất dự trữ để phát triển thành sân bay quốc tế. Vị trí quy hoạch trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, gần các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, quốc lộ 22, 22B…
Hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết tỉnh quy hoạch sân bay Tây Ninh theo quy luật phát triển, các tiện ích cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường thủy, hàng không phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu.
Cũng theo ông Ngọc, nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì nên xem sân bay như một dự án đầu tư đơn thuần. Tây Ninh hội đủ yếu tố cần và đủ, đặc biệt dư địa phát triển của Tây Ninh về du lịch rất lớn.
Kinh tế Tây Ninh tăng trưởng khả quan
Trong quý 1/2023, xét trong khu vực Đông Nam bộ, mức tăng trưởng GRDP của Tây Ninh xếp trên TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng trưởng 2,21%. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,65%, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,89%, khu vực dịch vụ tăng 5,51%.
Tổng thu ngân sách nhà nước của Tây Ninh, trong quý 1/2023, ước thực hiện 2.946 tỷ đồng, đạt 26,8% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 3.271 tỷ đồng, đạt 29,3% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Ngành thương mại, dịch vụ và du lịch đã vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 26.066 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.176 triệu USD, đạt 16,8% so với kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.244 triệu USD, đạt 20,2% so với kế hoạch.
Tổng doanh thu du lịch 980,4 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch, tăng 88% so với cùng kỳ; với 2,5 triệu lượt khách thăm quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 50% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ.