Tín dụng siết chặt, doanh nghiệp “khát” vốn

Quỳnh Anh SM | 15:48 22/05/2023

Trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã trình phương án huy động vốn từ phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể suôn sẻ hút tiền từ những kênh này trong bối cảnh nguồn tiền trên thị trường có dấu hiệu cạn dần.

Tín dụng siết chặt, doanh nghiệp “khát” vốn

Nội dung chính:

  • Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay đạt 3,05% so với cuối năm 2022, chỉ bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm trước. 
  • Loạt doanh nghiệp lớn như Vingroup, Đất Xanh, Phát Đạt, Hoàng Quân, Hoàng Anh Gia Lai... đang dùng các phương án phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn trong bối cảnh vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. 
  • Ngân hàng thận trọng ứng phó với nợ xấu khiến quá trình giải ngân vốn vay còn nhiều bất cập, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt tìm phương án huy động vốn khác. 

Hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chậm lại thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 và 4 liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Nhu cầu thị trường yếu buộc doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm chi phí và hạ thấp nhu cầu vốn. Dù lãi suất có xu hướng hạ nhiệt, các doanh nghiệp vẫn e dè trong việc vay vốn đầu tư, kinh doanh khi chưa nhận thấy tín hiệu phục hồi tích cực nào. 

Diễn biến chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam từ năm 2011 đến nay (điều chỉnh theo mùa). (Nguồn: S&P Global)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, có gần 55% số doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do thị trường đang không hiệu quả. Chỉ có một số ít có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn, tạo thanh khoản.

Doanh nghiệp xoay sở huy động vốn 

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn vẫn luôn cần tiền, dù vốn tín dụng trong nền kinh tế đang “nghẽn”. 

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (ĐHĐCĐ) của Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) đã thông qua phương án phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất coupon tối đa 15%/năm - cao hơn hẳn so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay.

VinFast - công ty con của Vingroup cũng đang lên kế hoạch huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ bằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này. 

Mới đây, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Số tiền 1.220 tỷ đồng huy động từ cổ đông hiện hữu chủ yếu sẽ được dùng để thanh toán các khoản thuế và nợ tại công ty con. Khoảng 855 tỷ đồng thu về từ chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ dùng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh. 

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Phát Đạt cũng lấy ý kiến cổ đông về 2 phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ công ty. Nếu kế hoạch được thông qua và phát hành thành công, doanh nghiệp này sẽ huy động thêm tối thiểu khoảng 2.015 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 8.731 tỷ đồng.

Tuy CII không thể tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023 lần 1 do số lượng cổ đông tham dự và ủy quyền nắm giữ dưới 50% cổ phần nhưng tờ trình xin ý kiến phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của công ty này vẫn được nhiều cổ đông chú ý. 

Theo kế hoạch, CII dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng với kỳ hạn 10 năm. Hàng năm, trái chủ của CII có quyền chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu số lượng tùy thích với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, cổ phiếu CII đang có mức giá hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. 

Tổng giám đốc CII cho biết nếu không phát hành trái phiếu chuyển đổi và được trái chủ chuyển đổi, CII sẽ gặp khó khăn trong việc đấu thầu các dự án BOT mới cho dù doanh nghiệp vẫn còn nguồn thu ổn định từ phí giao thông. 

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên lần 2 tổ chức vào 24/5 tới đây, CII sẽ tiếp tục xin ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành trái phiếu này. 

Ngân hàng khó vay, thị trường cạn vốn

Ngoài việc “ngại” vay vốn do đầu ra yếu, các doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình vay vốn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. 

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định: “Tăng trưởng tín dụng hiện tại không bị ảnh hưởng bởi room tín dụng mà chủ yếu đến từ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp”. 

Theo dữ liệu từ cơ quan này, tín dụng nền kinh tế tính đến cuối tháng 4/2023 tăng 3,05% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm trước.

Quý I/2023, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận thấp, thậm chí tăng trưởng âm, phần lớn do nợ xấu cao, trích lập dự phòng ăn mòn lợi nhuận. Nợ xấu tăng mạnh trong quý đầu năm khiến các ngân hàng cũng e dè trong việc cho doanh nghiệp vay vốn làm ăn. Ngoài ra, áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ căng thẳng trong giai đoạn giữa năm 2023. 

Theo Chứng khoán VnDirect, trong quý II/2023, có hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, cao hơn 127% so với quý I. Con số này sẽ lên đến 83.000 tỷ đồng vào quý III. Do đó, ngân hàng cần thận trọng, xây dựng bộ đệm dự phòng phù hợp để đối mặt với giai đoạn khó khăn này. 

Các doanh nghiệp phải vận dụng nhiều hình thức huy động vốn khác nhằm đảm bảo dòng tiền phát triển hoạt động kinh doanh, phổ biến nhất là 2 phương án phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, giai đoạn "tiền rẻ" đã qua đi cùng với một loạt động thái siết chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Tại Việt Nam, tăng trưởng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,78% - bằng một nửa mức tăng tín dụng cùng kỳ. Nguồn tiền trên thị trường đã không còn dồi dào như trước do tốc độ quay vòng vốn chậm lại. Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi thị trường tài chính chưa xuất hiện tín hiệu khả quan. Vì thế, quá trình gọi vốn của doanh nghiệp không còn suôn sẻ. 

Hoàng Anh Gia Lai đã công bố kế hoạch huy động 1.700 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu bất thành do nhà đầu tư từ chối mua. Kế hoạch chào bán với giá 10.500 đồng/cổ phiếu - cao hơn mức giá thị trường của HAG thời điểm đó tới 3.000 đồng/cổ phiếu. 

“Ông lớn” bất động sản - Tập đoàn Đất Xanh cũng nhiều lần công bố tạm dừng kế hoạch chào bán trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế dù phương án đã được thông qua từ năm 2021. Theo Tập đoàn, toàn bộ công tác chuẩn bị cần thiết để chào bán trái phiếu đã được hoàn thành nhưng tình hình thị trường tài chính từ nửa cuối năm 2022 tới nay không phù hợp để thực hiện nên Đất Xanh trình thông qua việc dừng triển khai phương án.

Bên lề cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) cho biết công ty đã tìm được cổ đông chiến lược cho kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2023.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhà đầu tư hoàn toàn có thể gom cổ phiếu HQC trên thị trường với mức giá thấp hơn từ 40 - 60%. Do đó, họ không có nhiều động lực để mua cổ phiếu HQC phát hành thêm với giá cao. 

Tình huống tương tự cũng xảy ra ở Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) khi doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 10.500 đồng/cp, trong khi giá cổ phiếu HAG khi đó dao động khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cp cao nên nhà đầu tư từ chối mua. 

Giá cổ phiếu HAG vẫn trồi sụt dưới mức 10.000 đồng suốt nhiều tháng qua.

Sau khi chào bán riêng lẻ bất thành, Hoàng Anh Gia Lai lại muốn phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 7.500 đồng/cp - thấp hơn một chút so với mức giá hiện hành. Dù thay đổi hình thức phát hành cổ phiếu nhưng tựu trung Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang nỗ lực thu hút dòng tiền để bù đắp thiếu hụt vốn. 

Theo quy định, kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hay trái phiếu đều phải được ĐHĐCĐ thông qua. Tuy nhiên, việc ĐHĐCĐ thông qua không đủ đảm bảo cho kế hoạch được triển khai thành công trong giai đoạn hiện nay.

Một doanh nghiệp chỉ có thể huy động vốn hiệu quả khi kế hoạch rõ ràng, có triển vọng và có lợi cho đối tượng phát hành (cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược, nhà đầu tư…) như mức giá cổ phiếu đủ thấp, hoặc lãi suất trái phiếu đủ cao so với lãi suất ngân hàng... 


(0) Bình luận
Tín dụng siết chặt, doanh nghiệp “khát” vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO