Tín dụng ngân hàng “tiếp sức” cho tăng trưởng xanh vẫn vướng rào cản

Dương Trang | 17:42 11/10/2022

Mặc dù các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, nhưng vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, nhất là Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế.

Tín dụng ngân hàng “tiếp sức” cho tăng trưởng xanh vẫn vướng rào cản
Ngân hàng còn gặp nhiều rào cản khi tiếp sức cho tăng trưởng xanh. (Ảnh: Int)

Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Cũng giống như các ngành nghề khác, ngành Ngân hàng đang nỗ lực “tiếp sức” cho tăng trưởng xanh.

Các doanh nghiệp cần thay đổi

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ…

Tại cuộc Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, đều nhận thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.

Thứ trưởng nói, tại châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử cacbon đối với sản xuất trong nước. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của trái đất.

“Thực tiễn này buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế”, Thứ trưởng nêu rõ quan điểm.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng nêu rõ, việc thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Đẩy mạnh vai trò của ngân hàng

Đối với lĩnh vực ngân hàng, có lẽ đây là ngành đóng vai trò quan trọng “tiếp sức” cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng xanh đang đối mặt với không ít khó khăn.

Về kết quả thời gian qua, bà Phạm Thị Thanh Tùng chia sẻ, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững.

Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/06/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

“Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.​..”, bà Tùng cho hay.

Bà Tùng cho hay, các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Điển hình như, Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được các ngân hàng như: BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF). Hay sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới.

Ngoài ra, còn có sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của IFC tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank...

Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng xanh còn đối mặt với không ít tồn tại, khó khăn. Thứ nhất là Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế.

Thứ hai, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

Thứ ba, khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Để khắc phục những khó khăn trên, bà Tùng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam.

“Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh…”, bà Tùng khuyến nghị.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh; đổi mới khoa học, công nghệ theo hướng giảm phát thải, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tín dụng ngân hàng “tiếp sức” cho tăng trưởng xanh vẫn vướng rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO