Tiền vào thị trường "mất hút", giá trị khớp lệnh trên HoSE xuống dưới 7.000 tỷ đồng

Dương Ngọc | 16:06 23/12/2022

Tâm lý thận trọng khi kỳ nghỉ lễ kéo dài đang đến gần có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Tiền vào thị trường "mất hút", giá trị khớp lệnh trên HoSE xuống dưới 7.000 tỷ đồng

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch cuối tuần đầy ảm đạm. Tuy xuất hiện lực cầu bắt đáy về cuối phiên nhưng VN-Index vẫn không thể đóng cửa trong sắc xanh.

Thị trường ảm đạm kéo theo thanh khoản tiếp tục "đi lùi" đáng kể với giá trị khớp lệnh trên HoSE vỏn vẹn 6.802 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng, kể từ ngày 19/10.

thanh-khoan-phien.png

Như vậy, sau khoảng thời gian một tháng giao dịch tương đối sôi động trở lại đây, dòng tiền vào thị trường liên tiếp xuất hiện những dấu hiệu ảm đạm trở lại bất chấp nhiều phiên vẫn ghi nhận biên độ dao động khá lớn. Tâm lý thận trọng khi kỳ nghỉ lễ kéo dài đang đến gần có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Ở một khía cạnh khác, định giá thị trường trở nên “đắt” hơn tương đối so với thời điểm xuống đáy dù vẫn ở mức chấp nhận được. Theo dữ liệu từ Algo Platform, P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 10,72 cao hơn khoảng 12% so với giữa tháng 11. Song mức định giá này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình 10 năm và tương đương với giai đoạn đáy Covid.

vn-index-3-.jpeg

Sau khi giữ được mốc hỗ trợ cứng, thị trường dần hồi phục trong sự rung lắc nhưng giao dịch vẫn rất “rời rạc”. Kể từ nửa cuối tháng 11 đến nay, nhiều cổ phiếu đã cho thấy tốc độ hồi phục nhanh và mạnh từ vài chục phần trăm thậm chí tăng bằng lần. Do đó, nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc mua đuổi các cổ phiếu đã hồi phục trong khi áp lực bán cũng không lớn có thể phần nào lý giải cho sự tụt áp của thanh khoản.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán. Theo VCBS, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 - dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022.

VCBS kỳ vọng thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.

Thêm vào đó, động thái mua ròng của khối ngoại đã có phần hạ nhiệt sau giai đoạn gom “ồ ạt” trên diện rộng. Những phiên gần đây, giao dịch đột biến của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các “deal” thỏa thuận trên một số cổ phiếu nhất định. Khớp lệnh của khối ngoại đã có phần trầm lắng đi đáng kể với vài trăm tỷ trên 2 chiều mua-bán, thấp hơn nhiều so với con số hàng nghìn tỷ trong giai đoạn thị trường dao động quanh vùng đáy.

Tuy vậy, trong dài hạn, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan nhờ vĩ mô ổn định và định giá hấp dẫn so với khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, dư địa phát triển số lượng nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn nhiều và đây sẽ là động lực thúc đẩy thị trường trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tiền vào thị trường "mất hút", giá trị khớp lệnh trên HoSE xuống dưới 7.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO