Tiền vào ngân hàng tăng chậm lại nhưng vẫn có 3 nhà băng đạt tốc độ tăng trưởng tiền gửi trên 10%

Văn Tuệ | 11:15 02/11/2022

Trái với việc mặt bằng lãi suất huy động liên tục được nâng lên, đà tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lại giảm.

Tiền vào ngân hàng tăng chậm lại nhưng vẫn có 3 nhà băng đạt tốc độ tăng trưởng tiền gửi trên 10%
Nhiều ngân hàng đã có lãi suất huy động trên 8,5%/năm, nguồn: Văn Tuệ

Lãi suất huy động liên tục tăng

Theo SSI Research, lãi suất huy động tiếp tục bật tăng ở các NHTM sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành hồi cuối tháng 10 vừa qua. Cụ thể, các NHTM trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. Trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các NHTMCP đã đẩy lên mức trần 6%. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước dịch bệnh Covid, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Thực tế đến cuối tháng 10, xu hướng tăng lãi suất vẫn chưa dừng lại, lãi suất huy động được các ngân hàng liên tục cập nhật theo từng ngày. Mức lãi suất từ 8% đến hơn 10%/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Một số ngân hàng lớn có lãi suất niêm yết cao nhất vượt trên 8%/năm có thể như MB (8,7%), VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%).

Các nhà băng thuộc khối big 4 gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động, lãi suất cao nhất tại quầy ở các nhà băng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. 

Người gửi tiền không mặn mà

Trái với việc mặt bằng lãi suất huy động liên tục được nâng lên và về lại vùng trước Covid, đà tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lại giảm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng là hơn 11.314 nghìn tỷ đồng, tăng 3,37% so với cuối năm trước. Trong đó, riêng các tổ chức kinh tế là hơn 5.677 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 0,57% so với thời điểm cuối năm 2021; tiền gửi cư dân ghi nhận hơn 5.637 nghìn tỷ đồng, tăng 6,35%.

Con số 3% kể trên là tương đối thấp so với thời điểm dịch bệnh Covid 19 bùng và cả trước khi đại dịch xảy ra. Cụ thể, tăng trưởng tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng vào tháng 8 năm 2019, năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 7,33%, 6,08% và 4,17% .

Số liệu mới nhất của 28 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

Cụ thể, tính đến 30/09/2022, tổng tiền gửi khách hàng của 27 nhà băng này ghi nhận hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,04% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, quý 3/2021, tăng trưởng tiền gửi so với cuối năm trước là 6,48%, quý 3/2020 con số này là 7,34% và quý 3/2019 (1 năm trước khi dịch bệnh xảy ra) là 10,08%.

Quý 3 /2021, có đến 6 ngân hàng ghi nhận tiền gửi tăng trên 10%, sang đến quý 3 năm nay, con số này chỉ còn 3, bao gồm HDBank (13%), TPBank (17%) và VPBank (15%).

Founder & CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu cho biết, từ năm 2013, tăng trưởng tiền gửi luôn cao hơn tín dụng. Tuy nhiên, gần đây, tình hình lại diễn biến ngược lại. Điều này sẽ gây nên áp lực thanh khoản hệ thống trong trung và dài hạn.

Trong báo cáo mới nhất SSI Research có dẫn số liệu cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10, so với cuối năm 2021, tín dụng đã tăng 11,38%, cung tiền M2 tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%.

Theo đó, nhóm phân tích đánh giá, chênh lệch huy động – tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7. Sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, tình hình đã có sự cải thiện nhẹ (mặc dù chưa quá rõ ràng).

Các chuyên gia SSI Research nói thêm, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, NHNN cũng đã đề cập đến việc những biến động trong việc huy dộng vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tiền vào ngân hàng tăng chậm lại nhưng vẫn có 3 nhà băng đạt tốc độ tăng trưởng tiền gửi trên 10%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO