Thuế BĐS cần đồng bộ với các chính sách khác để có hiệu quả toàn diện

Lê Sáng | 16:35 27/09/2024

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, chính sách thuế bất động sản cần được tiếp cận một cách một cách tổng thế và toàn diện, đồng bộ với các chính sách khác như đất đai, quy hoạch, tài chính… để đảm bảo hiệu quả nhằm phát triển một thị trường minh bạch, bền vững.

Thuế BĐS cần đồng bộ với các chính sách khác để có hiệu quả toàn diện
Theo các chuyên gia, việc chưa có chính sách thuế phù hợp đối với người sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên đã gây ra tình trạng đầu cơ trục lợi, gián tiếp tạo ra nhiều khu đô thị "ma" trên cả nước, nhất là tại các đô thị lớn. Ảnh minh họa

Vừa qua, một số ý kiến đề xuất hạ nhiệt giá nhà, đất bằng các chính sách thuế về bất động sản. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở các thành phố lớn, đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang tăng mạnh.

Thông tin về vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ hoàn toàn đồng tình với đề xuất này. Ông Chi nhấn mạnh đề xuất này rất đáng tiếp thu và nghiên cứu.

"Cần suy nghĩ theo hướng một cách tổng thế và toàn diện làm sao xây dựng được một thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

thu-truong-btc-nguyen-duc-chi-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Riêng về chính sách thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng nếu chỉ riêng chính sách này sẽ không đáp ứng được sự toàn diện, mục tiêu cuối cùng không đạt được. Các chính sách khác như đất đai, quy hoạch, tài chính… cũng phải đồng bộ.

Mới đây, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây về nguyên nhân bất động sản tăng giá, Bộ Xây dựng cho biết giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian gần đây, một phần lý do đến từ hiện tượng đầu cơ của các hội, nhóm, cá nhân.

Để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.

"Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời", Bộ Xây dựng nêu.

Chính sách đã được "thai nghén" nhiều năm

Thực tế, đề xuất đánh thuế đối với bất động sản thứ hai được Bộ Tài chính đưa ra từ năm 2009 và đến năm 2018, nội dung này được đưa vào dự án Luật Thuế tài sản.

Đến năm 2022, dự luật này được đưa ra bàn thảo tại nhiều kỳ họp Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành tháng 6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang...”.

Theo các chuyên gia, sắc thuế đánh vào bất động sản thứ hai sẽ có nhiều tác động đến thị trường: Hạn chế tình trạng đầu cơ; định hướng những nhà đầu tư thứ cấp vào khuôn khổ; tạo cơ hội tiếp cận nhà đất cho người có nhu cầu ở thực…

Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Tháng 8/2023, cử tri TP. Hồ Chí Minh đề nghị đánh thuế với nhà thứ hai và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất. Thời điểm đó, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó đề cập chính sách thuế với hành vi này.

Theo báo cáo thị trường BĐS quý 2/2024 của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, giá chung cư ở một số dự án hay nhà riêng lẻ tại các khu vực quận Tây Hồ, quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình, huyện Hoài Đức... cũng tăng cao "bất thường" so với tình hình thị trường và nhu cầu người dân.

Đối với giải pháp đánh thuế cao đối với các bất động sản có tính đầu cơ như nhà đất thứ hai hoặc không đưa vào sử dụng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế, biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đầu cơ là áp dụng thuế cao đối với đất đai không sử dụng hoặc bị đầu cơ. Thuế cũng cần được áp dụng đối với các giao dịch mua bán đất ngắn hạn, nhằm giảm bớt động cơ đầu cơ và rửa tiền. Áp dụng hệ thống thuế suất lũy tiến dựa trên giá trị bất động sản, trong đó thuế suất tăng lên khi giá trị bất động sản cao hơn. Giải pháp này giúp làm tăng chi phí đầu cơ, từ đó giảm sự hấp dẫn của việc đầu tư vào bất động sản chỉ nhằm kiếm lợi nhanh chóng.

Bàn về giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản, tham luận tại Diễn đàn KT-XH 2023 do Quốc hội tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng cần thiết sớm xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách thuế để điều tiết thị trường bất động sản.

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu đánh giá thuế là một công cụ rất sắc bén, rất hiệu lực, hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản khi có dấu hiệu bất ổn như xuất hiện sốt nóng bong bóng, có dấu hiệu đầu cơ, hoặc trầm lắng, có dấu hiệu suy thoái, đóng băng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thuế BĐS cần đồng bộ với các chính sách khác để có hiệu quả toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO