Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 3 năm 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu trong 15 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tuỳ thuộc theo nhu cầu của thị trường.
Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo ACB, mục đích phát hành trái phiếu là phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, HĐQT ACB cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 và lần 2 năm 2024 với quy mô phát hành tối đa mỗi đợt là 15.000 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ phát hành lượng trái phiếu lên tới 45.000 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.
Đáng chú ý, cùng thời điểm công bố thông tin về kế hoạch phát hành thêm 15.000 tỷ đồng trái phiếu, ACB cũng công bố kế hoạch tăng vốn cho chứng khoán ACB lên mức 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, tại Nghị quyết số 4304/TCQĐ-HĐQT.24 do ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB ký ban hành đã thông qua việc tăng vốn của Công ty TNHH Chứng khoán ACB thêm 3.000 tỷ đồng, từ mức 7.000 tỷ đồng hiện tại lên thành 10.000 tỷ đồng sau khi được UBCK chấp thuận.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến đầu tháng 10, ACB đã phát hành thành công 12 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Qua đó đưa ACB trở thành đơn vị phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất thị trường. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 18.900 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023.
Bức tranh kinh doanh của ACB
Về tình hình kinh doanh, ACB hiện chưa công bố BCTC quý 3/2024, trước đó, trong quý 2/2024, lãi trước thuế của ACB đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 2/2023.
Cụ thể, trong quý 2/2024, nguồn thu chính của ngân hàng ACB là lãi thuần ghi nhận đạt 7.111 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu ngoài lãi cũng ghi nhận kết quả tích cực với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 877 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 415 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý 2/2024, ACB lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh ở mức 41,231 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 71,566 tỷ đồng) và lỗ từ chứng khoán đầu tư hơn 14,005 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 407,802 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt hơn 10.490 tỷ đồng, tăng 5,5% so với 6 tháng năm ngoái. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Như vậy sau 6 tháng, ngân hàng này đã hoàn thành được 48% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACB ghi nhận đạt 769.678 tỷ đồng, mở rộng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 15% còn 15.724 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác cũng ghi nhận giảm 8% xuống còn 105.419 tỷ đồng.
Ai đang nắm vốn tại ACB
Tại danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn do ACB cập nhật mới đây sau khi công bố lần đầu vào cuối tháng 7/2024 đã cho thấy sự xuất hiện thêm 5 cổ đông, gồm cả tổ chức và cá nhân.
Trong đó, Công ty CP Đầu tư thương mại Giang Sen nắm hơn 80,2 triệu cổ phần, tương ứng gần 1,8% vốn ngân hàng. Song người liên quan đến công ty này nắm hơn 5,1% vốn tại ACB.
Tiếp đến Công ty CP Đầu tư thương mại Bách Thanh nắm hơn 55,9 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,25% vốn và người liên quan nắm 5,6% vốn tại ngân hàng.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, cả Giang Sen và Bách Thanh đều là cổ đông tổ chức có liên quan tới ông Trần Hùng Huy - chủ tịch HĐQT ACB.
Ông Huy nắm tổng số hơn 153 triệu cổ phần, tương ứng hơn 3,42% cổ phần. Còn tất cả cổ đông có liên quan ông Huy nắm hơn 8,2% vốn ACB.
Ngoài hai doanh nghiệp liên quan tới chủ tịch ACB, danh sách được cập nhật còn có thêm 1 cổ đông tổ chức khác là Công ty CP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương nắm gần 58,6 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,3% vốn. Còn người có liên quan đến cổ đông tổ chức này nắm hơn 107,7 triệu cổ phần, tức sở hữu 2,4% vốn ACB.
Công ty CP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật. Nữ doanh nhân này còn là chủ tịch Công ty cổ phần Âu Lạc.
Nguyễn Thiên Hương Jenny hay Nguyễn Đức Hiếu Johnny - hai cổ đông cá nhân còn lại nắm trên 1% vốn tại ACB - đều là con của bà Thúy.
Như vậy, toàn bộ nhóm cổ đông Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu ACB, cổ phần nhóm cổ đông này đang sở hữu giá trị hơn 4.000 tỉ đồng.
Về Âu Lạc, công ty này hoạt động trong mảng kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa, có quy mô tổng tài sản lên gần 2.550 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Trong 6 tháng đầu năm nay, Âu Lạc có doanh thu gần 800 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, còn lãi sau thuế gần 172 tỉ đồng, tăng gần 90%.