Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 37/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong văn bản này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết các kiến nghị cụ thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở các đơn vị, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng để thanh toán nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội.
Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để kịp thời xử lý vướng mắc về nợ đọng xây dựng cơ bản, yêu cầu các doanh nghiệp của ngành thanh toán tiền nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản hiện vẫn là vấn đề tồn tại nan giải, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà thầu cũng như có những tác động tiêu cực đến mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cũng như phát triển của hoạt động đầu tư xây dựng nói chung.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với MarketTimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, thời gian qua, vấn đề nợ đọng xây dựng dù đã được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ, thậm chí đã tổ chức họp trực tiếp để lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của các doanh nghiệp nhà thầu. Tuy nhiên, đến nay, do nhiều nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc, nhất là nợ đọng xây dựng cơ bản tại các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Cụ thể, ông Hiệp cho biết, theo phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy sau rất nhiều kiến nghị thì đến nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề nợ đọng xây dựng do chưa có khung pháp lý, nếu chỉ giải quyết theo hợp đồng dân sự theo quy định của Luật Dân sự hoặc Luật Thương mại thì không đủ căn cứ do chưa có cơ chế đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách.