Hội nghị cũng bàn về việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Quý I có nhiều khởi sắc
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình quý I có những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước tác động mạnh tới việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nội tại nền kinh tế cũng có những hạn chế, yếu kém tồn đọng, kéo dài, những vấn đề phát sinh mới như tội phạm liên quan tới kinh tế, nhất là liên quan đến đất đai, môi trường, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, buôn lậu xăng dầu qua biên giới…
Tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, khởi sắc rất tích cực. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam đạt độ bao phủ vaccine rất cao, các biện pháp y tế được coi trọng, đẩy mạnh toàn diện, nhờ đó số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3. Chúng ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế, du lịch và tiếp tục mở cửa trường học an toàn.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết các địa phương, một số địa phương tăng trưởng GRDP trên 10% như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Hải Phòng, nhiều địa phương tăng trưởng trên 8% như Lai Châu, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh… Tăng trưởng có được cả ở phía cung (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) và cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dù sức ép rất lớn, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trong khi xu thế thế giới là tăng lãi suất. Điều này cho thấy quyết tâm lãnh đạo chỉ đạo, điều hành hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi, phát triển kinh tế.
Các cân đối lớn được bảo đảm và có dư (thu ngân sách đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay. Vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,63 tỷ USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước.
Phát triển doanh nghiệp khởi sắc với gần 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường. Kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy 82,3% doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II.
Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước dần phục hồi. Khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ.
An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Việc triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, 126, 116 đạt gần 79,2 nghìn tỷ đồng cho 48,6 triệu lượt người lao động và 742,5 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả toàn diện, đồng bộ ở các địa phương là rất đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ sở để chúng ta có khí thế hơn, tự tin hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt kết quả tốt hơn thời gian tới, phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Quý II, có những khó khăn chưa thể dự báo
Về dự báo tình hình quý II, Thủ tướng yêu cầu phải xác định còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động…, có những khó khăn chưa thể dự báo hết được, cộng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức đã được chỉ ra. Do đó, phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ quý I vừa qua là các địa phương phải phát huy đoàn kết, thống nhất, tinh thần tự lực, tự cường, cùng cả nước xây nền kinh tế độc lập, tự chủ; huy động được khối đại đoàn kết toàn dân quanh cấp ủy, chính quyền để phát huy tối đa nội lực, tiềm năng cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Các cấp lãnh đạo, chính quyền phải chủ động, tích cực hơn nữa để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp tham gia, đóng góp vào quá trình phát triển.
Đặc biệt, trong phân bổ và triển khai đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chung tay phát triển hạ tầng", không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng", rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Với tinh thần liêm chính, công khai, minh bạch, Chính phủ phân bổ và triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm hiệu quả cao nhất, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II năm 2022.
Thứ nhất, tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ, tăng giá, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiếp tục xử lý, cơ cấu lại các doanh nghiệp, dự án, tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.
Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26. Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch điện VIII, một số văn bản pháp lý liên quan tới định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai. Các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn. Khẩn trương tiêm vaccince cho trẻ em từ 5-11 tuổi và tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định, sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.
Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm cung cầu lao động. Đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, quy hoạch quốc gia và vùng được lấy ý kiến.
Nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình khu vực và thế giới, tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường công tác thông tin truyền thông, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.
Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cũng tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt.