Theo BI, vào năm 2022, CEO Meta là Mark Zuckerberg từng đưa ra một “ý tưởng điên rồ”: Xóa sạch danh sách bạn bè của toàn bộ người dùng Facebook.
Thông tin này được tiết lộ vào thứ hai tuần này, khi chính phủ Mỹ đưa Zuckerberg ra làm nhân chứng trong một phiên tòa chống độc quyền mang tính bước ngoặt – có thể dẫn đến việc đế chế mạng xã hội này bị chia tách.
Trong một email nội bộ gửi ban lãnh đạo cấp cao của Facebook vào năm 2022, trước mối lo ngại rằng Facebook đang đánh mất sức hút văn hóa, Zuckerberg đã đề xuất một ý tưởng táo bạo.
“Phương án 1: Tăng cường tính năng kết bạn”, Zuckerberg viết trong email được phía chính phủ công bố khi ông ra làm chứng. “Một ý tưởng có thể hơi điên rồ là hãy xóa toàn bộ đồ thị quan hệ bạn bè của người dùng và để họ bắt đầu lại từ đầu”.
Thuật ngữ “đồ thị” (graph) ở đây dùng để chỉ mạng lưới kết nối bạn bè của người dùng trên Facebook.
Tom Alison, người đứng đầu Facebook lúc bấy giờ, đã phản hồi với thái độ do dự: “Tôi không chắc Phương án 1 (tăng cường kết bạn) trong đề xuất của anh có khả thi không, dựa trên hiểu biết của tôi về mức độ quan trọng của tính năng bạn bè đối với Instagram”, Alison viết.
Zuckerberg sau đó đáp lại rằng anh không hiểu rõ lo ngại của Alison, đồng thời đưa ra một ý tưởng khác: “Anh có biết việc chuyển đổi hồ sơ người dùng sang mô hình follow (theo dõi) sẽ mất bao nhiêu công sức không?” Zuckerberg hỏi trong email phản hồi.
Khi bị nhắc lại ý tưởng này trong phiên chất vấn của luật sư Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Zuckerberg thừa nhận rằng Facebook chưa bao giờ thực hiện kế hoạch cực đoan đó.
“Theo tôi nhớ thì chúng tôi chưa từng làm điều đó”, Zuckerberg – mặc vest và đeo cà vạt trong phiên tòa tại tòa án liên bang ở Washington nói.
Trong suốt phiên điều trần kéo dài nhiều giờ hôm thứ hai, Zuckerberg khẳng định Facebook đã thay đổi rất nhiều kể từ khi anh sáng lập nền tảng này hơn 20 năm trước, và mục tiêu chính của nó giờ đây không còn là kết nối bạn bè như xưa.
FTC lập luận rằng Meta đang độc quyền trong thị trường các ứng dụng chia sẻ nội dung với bạn bè và gia đình.
“Tính năng bạn bè đã giảm đáng kể”, Zuckerberg thừa nhận. Nguồn cấp dữ liệu của Facebook n“giờ đây đã trở thành một không gian khám phá và giải trí rộng lớn”.
Zuckerberg là nhân chứng đầu tiên được triệu tập sau khi phiên tòa bắt đầu vào thứ hai. Anh dự kiến sẽ bị chất vấn trong thời gian lên đến 7 tiếng.
FTC cho rằng Meta (trước đây là Facebook) đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ khi mua lại Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014.
Theo cơ quan này, thương vụ mua Instagram trị giá 1 tỷ USD và WhatsApp với giá 19 tỷ USD là nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh và thống trị lĩnh vực mạng xã hội. Chính phủ Mỹ cáo buộc đây là một phần trong chiến lược “mua hoặc chôn vùi (buy or bury)” của Meta nhằm duy trì vị thế thống lĩnh thị trường.
FTC dẫn chứng trong hồ sơ tòa án rằng Meta duy trì vị thế độc quyền “chủ yếu thông qua việc theo đuổi chiến lược mà Zuckerberg từng trình bày trong một email nội bộ năm 2008”, trong đó anh viết: “Thà mua lại còn hơn là cạnh tranh”.
“Meta trong nhiều năm qua đã thu về lợi nhuận kinh tế khổng lồ, vượt xa những gì có thể thấy trong một môi trường cạnh tranh thực sự”, luật sư Daniel Matheson của FTC phát biểu trong phần mở đầu phiên tòa.
Trong khi đó, luật sư Mark Hansen đại diện cho Meta phản bác rằng vụ kiện của FTC chỉ là “tập hợp những lý thuyết lỏng lẻo, vừa đi ngược thực tế, vừa đi ngược luật pháp”. Ông chỉ trích vụ kiện là “sai hướng”, và khẳng định việc mua lại Instagram và WhatsApp không hề vi phạm pháp luật. Theo ông, Meta không hề độc quyền, vì công ty đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như TikTok và YouTube.
Phiên tòa này được đánh giá là một trong những vụ kiện chống độc quyền có ảnh hưởng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu FTC thắng kiện, Meta có thể buộc phải bán lại WhatsApp và Instagram.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài tối đa 8 tuần. Thẩm phán James Boasberg sẽ là người duy nhất đưa ra phán quyết cuối cùng, vì vụ việc không có bồi thẩm đoàn.
Theo: BI