Tại phiên họp Quốc Hội sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình về các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thống đốc cho biết, trong năm 2022 và năm 2023, việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường hơn so với thời điểm Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết. CSTT cũng được giao khá nhiều nhiệm vụ và những nhiệm vụ này khó đạt được cùng một lúc.
Trong điều kiện đó, NHNN đã kiên định, xuyên suốt với mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát tình hình để quyết định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để ứng phó linh hoạt.
Đối với điều hành lãi suất, Thống đốc cho biết nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp (DN) khi vay vốn từ trước đến nay. Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo và NHNN cũng rất mong muốn, quan tâm điều đó. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được đại cục ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc, năm 2022 có 2 lý do rất quan trọng để chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn.
Thứ nhất, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Trong nước, lạm phát trong năm 2022 bình quân tăng 3,15% (Tuy là thấp so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021 và đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022, lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh từng tháng, cuối năm lạm phát so với cùng kỳ đã ở mức 5%; lạm phát cơ bản bình quân đã khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức bình quân lạm phát cơ bản năm 2021). Chính vì vậy, việc điều hành không thể chủ quan với lạm phát;
Thứ hai, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng Đô la tăng giá mạnh. Vào thời điểm tháng 9 – tháng 10/2022, áp lực mất giá của đồng Việt Nam lên đến 9-10%, nếu không có các giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó có thể ổn định được mức tỷ giá chỉ mất giá 3,5% trong năm 2022.
"Vào lúc đó, điều hành thị trường rất khó khăn. Nếu chúng ta để đồng Việt Nam mất giá trên 10% thì điều gì sẽ xảy ra? Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, vì doanh nghiệp Việt Nam thâm hụt hàng năm rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, nếu tỷ giá tăng cộng hưởng mặt bằng giá thế giới tăng cao, chi phí đầu vào sẽ tăng cao, chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao. Chưa kể, doanh nghiệp Việt Nam cũng vay một lượng lớn vốn nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ bằng VND sẽ tăng lên", Thống đốc cho hay.
Theo Thống đốc, vấn đề tỷ giá cũng ít được nhắc đến mà tập trung chủ yếu vấn đề lãi suất. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện tăng chậm lại của lạm phát, trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã quyết liệt, điều chỉnh 3 lần lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% bình quân so với cuối năm 2021.
Với điều hành tín dụng, vào tháng 10 năm ngoái đại biểu Quốc hội có nêu, thời điểm đó, diễn ra sự kiện SCB chưa từng có trong lịch sử với việc rút tiền hàng loạt, nguy cơ lan truyền trong hệ thống rất lớn. Trong bối cảnh đó, NHNN quyết định tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD vừa đảm bảo chi trả cho người dân. Các giải pháp đều hướng đến câu chuyện đó.
Như vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào tháng 10. Sau khi thanh khoản ổn định lại, NHNN mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Với diễn biến trong sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ vừa qua cũng như Credit Suisse của Thụy Sĩ cho thấy, việc ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN và Chính phủ là hết sức đúng đắn, các cấp có thẩm quyền cũng rất quan tâm.
"Tóm lại, những giải pháp, liều lượng chính sách, thời điểm được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, tất cả cũng để hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh cho DN, người dân", Thống đốc nhấn mạnh.