'Thời tới cản không kịp' với máy bay 'made in China': Vừa nhận đơn hàng khủng lại bán được giá hời, tăng tốc cạnh tranh Boeing, Airbus trên thị trường Trung Quốc

Anh Dũng | 10:16 27/12/2023

Công ty Trung Quốc này đã đề xuất chính phủ giúp đỡ để tăng thị phần máy bay chở khách, nhằm cạnh tranh với Boeing và Airbus.

'Thời tới cản không kịp' với máy bay 'made in China': Vừa nhận đơn hàng khủng lại bán được giá hời, tăng tốc cạnh tranh Boeing, Airbus trên thị trường Trung Quốc
Ảnh: COMAC

Trong thoả thuận mới nhất với hãng Air China, máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất đã được nâng lên mức giá cao hơn. Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) đã kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động bán máy bay tại nội địa Trung Quốc, khi Boeing tiến hành giao hàng cho các hãng hàng không nước này.

Air China là hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc tính theo quy mô đội bay. Thoả thuận tăng giá máy bay C919 của hãng với COMAC đã được công bố tuần trước. Air China sẽ mua 6 máy bay C919 và 11 máy bay phản lực khu vực ARJ21. Thời gian giao hàng từ năm 2024 đến năm 2025.

Air China tiết lộ COMAC rao bán mỗi chiếc C919 với giá 108 triệu USD và mỗi chiếc ARJ21 nhỏ hơn có giá 38 triệu USD. Tổng đơn hàng của Air China trị giá 1,07 tỷ USD. Cả hai bên đã đồng thuận mức giá “thấp hơn giá niêm yết”.

Nhưng theo hãng truyền thông Caixin, trong thoả thuận với hãng China Eastern năm 2022, máy bay C919 có giá 99 triệu USD. Như vậy, COMAC đã tăng giá C919 lên thêm 9 triệu USD. Giá mới nhất của máy bay C919 tương đương với mức giá từ 105-136 triệu USD của Airbus A320neo vào năm 2020.

Tại cuộc họp của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) vào tuần trước, Tổng Giám đốc COMAC Chu Xinmin đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn để giúp tăng thị phần máy bay phản lực “made in China”. Vào tháng 9, COMAC cho biết rằng họ đã có 1.061 đơn đặt hàng máy bay C919.

image(2).png
Ảnh: Dickson Lee/SCMP

Máy bay thân hẹp C919 được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320, nhằm phá vỡ thế độc quyền của những dòng máy bay này, ít nhất là trên thị trường Trung Quốc. C919 có thể chở tới 192 người với quãng đường bay tối đa 5.555 km. COMAC cũng đang phát triển một phiên bản máy bay phản lực tầm cao.

Vào tháng 5, hãng đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ Thượng Hải đến Bắc Kinh. China Eastern là khách hàng đầu tiên và là người mua lớn nhất của C919, với hơn 100 máy bay được đặt hàng. Ba chiếc C919 hiện do China Eastern khai thác có các đường bay từ Thượng Hải đến các điểm đến như Bắc Kinh và Thành Đô.

Tuy nhiên, đường bay ngày càng nóng lên khi Boeing giao trực tiếp chiếc máy bay thân rộng 787 Dreamliner đầu tiên cho một hãng hàng không Trung Quốc vào năm 2019. Hãng hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc Juneyao Airlines đã nhận hàng tại Thượng Hải vào tuần trước.

Sau khi được các cơ quan quản lý Trung Quốc cho phép vào đầu tháng này, máy bay Boeing 737 MAX dự kiến sẽ được giao đến khách hàng. Từ tháng 1, chiếc 737 MAX đã được phép tiếp tục bay ở Trung Quốc.

Theo một dự báo, Trung Quốc dự kiến cần 8.560 máy bay chở khách mới vào năm 2042. Đội máy bay thương mại của nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên gần 9.600 máy bay trong vòng 20 năm tới, chiếm 1/5 tổng số máy bay được giao trên thế giới trong cùng giai đoạn.

Theo SCMP

Bài liên quan

(0) Bình luận
'Thời tới cản không kịp' với máy bay 'made in China': Vừa nhận đơn hàng khủng lại bán được giá hời, tăng tốc cạnh tranh Boeing, Airbus trên thị trường Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO