Những gia đình mà vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng không chỉ phổ biến hơn mà còn giảm khả năng dẫn đến ly hôn hơn so với trước đây.
Theo nghiên cứu của hai nhà xã hội học Christine Schwartz and Pilar Gonalons-Pons tại Đại học Wisconsin-Madison và Đại học Pennsylvania, các cặp vợ chồng kết hôn vào cuối thập niên 1960 và 1970 mà có người vợ kiếm được bằng hoặc hơn chồng có khả năng ly hôn cao hơn 70% so với trường hợp còn lại.
Trong khi đó, đối với những cặp đôi kết hôn vào thập niên 1990, tỷ lệ ly hôn của những gia đình có phụ nữ là trụ cột chỉ ở mức 4% so với gia đình trụ cột là đàn ông.
Giáo sư Schwartz giải thích lý do thành công của những cuộc hôn nhân có phụ nữ làm trụ cột là nhờ văn hoá cũng như kinh tế. Giáo dục và hướng nghiệp phát triển đã giúp xoá bỏ dần định kiến người vợ phải thu nhập thấp hơn chồng. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến các gia đình phải tối đa hoá cả hai khoản thu nhập.
Sarah O'Brien là một nhân viên lưu trữ văn thư 35 tuổi ở Palm Desert, California. Thu nhập của cô đã vượt qua chồng mình từ 5 năm trước. Cô luôn lo rằng chồng sẽ không yên tâm về vai trò của anh trong gia đình. Nhưng khi họ ngồi nói chuyện với nhau, chồng cô nói rằng anh rất tự hào về vợ của mình. Anh nói: “Tôi không có khái niệm gọi là ‘tôi phải kiếm nhiều tiền hơn’”.
Vợ chồng Sarah O'Brien là một ví dụ về hôn nhân bình đẳng hơn. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn chồng đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua, từ 5% lên 16% trong mọi cuộc hôn nhân khác giới.
Giáo sư kinh tế Johanna Rickne tại Viện nghiên cứu xã hội Thụy Điển thuộc Đại học Stockholm, cho biết đàn ông từng lo lắng rằng việc có một người vợ thành đạt hơn về tài chính có thể gây bất lợi cho sự nghiệp của họ. Phụ nữ thành đạt cũng có nhiều khả năng ly hôn hơn.
Giáo sư Rickne cho biết điều đó đang thay đổi và có sự tiến bộ trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong các mối quan hệ. Các cặp đôi hiện tại thường trao đổi với niềm hy vọng nhiều hơn là căng thẳng khi vợ có thu nhập cao hơn.
Giáo sư Jennifer Glass, người điều hành Hội đồng Gia đình Đương đại tại Đại học Texas, cho biết việc dựa vào một trụ cột kiếm tiền duy nhất không còn là mô hình bền vững đối với nhiều gia đình, đặc biệt là với những người đang nuôi con nhỏ. Chi phí trung bình để gửi trẻ ở Mỹ là khoảng 8.000 USD/năm ở nông thôn và gần 17.000 USD/năm ở thành phố.
Vì thế, quan niệm cũ có thể khiến các gia đình nghèo đi.
Farnoosh Torabi, người dẫn chương trình podcast về tài chính cá nhân, cho biết cô đã nói chuyện với nhiều cặp vợ chồng. Họ cần hai nguồn thu nhập để bảo vệ gia đình trước nguy cơ suy thoái kinh tế, đợt sa thải tiếp theo hoặc bất kỳ thách thức khó lường nào khác.
Song, Torabi có một lời khuyên nho nhỏ đối với các bà vợ: “Đừng nói với chồng mình rằng bạn có tham vọng, vì họ sẽ cảm thấy không còn có thể chăm sóc cho bạn được nữa”.
Tham khảo WSJ