Thời hoàng kim của xe điện Trung Quốc đã qua, kỷ nguyên cạnh tranh với những cuộc chiến giá cả sẽ khiến nhiều cái tên “biến mất”

Linh Anh | 10:26 02/01/2024

Tăng trưởng doanh số bán xe điện ở Trung Quốc có thể sẽ giảm, đẩy các công ty khởi nghiệp hoạt động kém hiệu quả đến bên bờ vực phá sản.

Thời hoàng kim của xe điện Trung Quốc đã qua, kỷ nguyên cạnh tranh với những cuộc chiến giá cả sẽ khiến nhiều cái tên “biến mất”

Tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh gay gắt và cuộc chiến giá cả khốc liệt sẽ gây áp lực lên hơn 200 nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc trong năm 2024. Thậm chí, những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhất có thể sẽ biến mất mãi mãi. Việc huy động vốn cho lĩnh vực xe điện cũng khó hơn, khiến các doanh nghiệp phải tính toán kỹ để tồn tại.

Cao Hua, chuyên gia phân tích đầu tư vào lĩnh vực ô tô tại Unity Asset Management, cho biết: “Bất chấp những thông tin đình đám xung quanh lĩnh vực xe điện của Trung Quốc, các nhà đầu tư đang có quan điểm thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh của từng doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường rất đông đúc và chật chội. Năm 2024 sẽ chứng kiến những bước ngoặt khi một số doanh nghiệp bị loại do hoạt động kém hiệu quả”.

Một báo cáo hồi tháng 11/2023 của Fitch Ratings cho thấy doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đại lục dự kiến tăng 20% trong năm 2024 so với một năm trước đó. Trong năm 2023, mức tăng này được dự báo vào khoản 30%.

Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong đó ô tô điện cũng rất được ưa chuộng. Doanh số bán xe điện ở Trung Quốc chiếm tới 60% doanh số bán xe toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ một số ít cái tên, chẳng hạn như BYD, Li Auto là có lãi.

Trong khi đó, việc xuất hiện những tay chơi mới, vốn đã là những gã khổng lồ trong lĩnh vực khác, khiến cuộc đua này càng trở nên khó khăn hơn. Gần đây, Xiaomi đã công bố một mẫu xe mới sau khi bắt tay với gã khổng lồ tìm kiếm Baidu. Phương tiện này thu hút sự quan tâm của giới trẻ nhờ khả năng thông minh vượt trội.

Trong khi đó, các hãng xe cũng đua nhau giảm giá. BYD và Xpeng đang hạ giá các sản phẩm để thu hút người mua. Đầu tháng trước, BYD đã giảm giá mẫu xe điện hạng sang Han tới 20.000 tệ (2.800 USD) để thúc đẩy doanh số. Xpeng cũng tiếp bước bằng cách giảm giá chiếc SUV G6 bán chạy nhất của mình lên tới 10.000 tệ (tương đương 5% giá trị xe).

William Li, đồng sáng lập kiêm CEO của hãng xe Nio, cho biết: “Việc các công ty khởi nghiệp theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng là không đúng. Bản thân chúng tôi, khi hoạt động trong ngành xe điện, cũng phải đối mặt với những thực tế nghiệt ngã và cố gắng né đạn khi thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt”.

Nio hiện đã cắt giảm 10% tổng nhân sự trong tháng 11 sau khi lỗ 4,56 tỷ tệ trong quý kết thúc vào tháng 9, giảm 24,8% so với mức lỗ của quý liền trước.

Xpeng cũng cho biết họ sẽ giảm 25% chi phí để bắt kịp các đối thủ trong năm 2024. Chủ tịch Brian Gu còn mong muốn đưa Xpeng vào con đường có lãi thông qua thúc đẩy hiệu quả sản xuất và cắt giảm chi phí sản phẩm.

Theo tính toán của China Business News vào tháng 9 năm ngoái, ít nhất 15 công ty khởi nghiệp đầy triển vọng với tổng sản lượng hàng năm lên tới 10 triệu xe đã sụp đổ hoặc bị đẩy tới bờ vực phá sản khi các doanh nghiệp lớn hơn đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần.

Tham khảo: SCMP


(0) Bình luận
Thời hoàng kim của xe điện Trung Quốc đã qua, kỷ nguyên cạnh tranh với những cuộc chiến giá cả sẽ khiến nhiều cái tên “biến mất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO