Thiếu thứ "nhỏ nhưng có võ", tham vọng soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc gặp lực cản chưa từng có

An An | 16:52 15/02/2023

Chip bán dẫn thường được ví như trái tim, giúp thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ.

Thiếu thứ "nhỏ nhưng có võ", tham vọng soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc gặp lực cản chưa từng có
Ảnh minh họa

"Gót chân Achilles"

Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các linh kiện và công nghệ bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể duy trì "nhịp đập" trong bao lâu.

Các công nghệ cốt lõi là "gót chân Achilles" của Trung Quốc - tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông, Trung Quốc) nhận định.

Theo đó, mặc dù có năng lực sản xuất công nghiệp mạnh nhất thế giới nhưng Bắc Kinh vẫn chịu tác động không nhỏ bởi chiến lược công nghệ của Washington.

Nếu không làm chủ được những con chip cực kỳ phức tạp cung cấp năng lượng cho các sản phẩm công nghệ, từ ô tô đến điện thoại thông minh, mục tiêu trở thành cường quốc kỹ thuật số toàn cầu, đồng thời vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc có thể tan thành mây khói.

"Chip là nền tảng của nền kinh tế hiện đại", ông Jun Zhang - Phó giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Toronto (Canada) - ước tính sơ bộ rằng việc đầu tư 1 đồng vào chip sẽ giúp hỗ trợ 10 đồng tiền điện và tạo ra 100 đồng trong sản lượng kinh tế.

Ông Zhang đánh giá Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực "chưa từng có" từ Mỹ và khả năng cạnh tranh quốc tế của nước này sẽ phụ thuộc vào phạm vi các lệnh hạn chế công nghệ của Mỹ.

electronics-motherboard-chip.jpg
Mỹ hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn quan trọng. Ảnh: Reuters

Theo SCMP, lệnh cấm công nghệ của Mỹ là một trong những lý do khiến nhiều tổ chức quốc tế bắt đầu trì hoãn dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khoảng cách giữa hai nền kinh tế đã nới rộng vào năm ngoái .

Tháng 11/2022, Goldman Sachs dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng 0,26 điểm phần trăm vào năm 2023 do các các lệnh hạn chế của Mỹ. 

Chiến lược này sẽ khiến GDP Trung Quốc giảm 1,7 điểm phần trăm trong trung hạn, hoặc dẫn đến tốc độ tăng trưởng hàng năm của Bắc Kinh giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm trong bốn năm tới.

Mỹ củng cố lệnh cấm

Trung Quốc coi nền kinh tế kỹ thuật số, chiếm 39,8% GDP nước này, là động lực tăng trưởng chính. Nhưng để đạt được hiệu suất, Bắc Kinh cần chip bán dẫn.

"Hầu như mọi công ty phần cứng ở Trung Quốc đều phải đối phó với hậu quả từ các hạn chế sâu rộng của Mỹ", Dan Wang, một nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết.

"Những biện pháp trừng phạt này sẽ cản trở những tiến bộ trong lĩnh vực chất bán dẫn của Trung Quốc".

Vào tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chip và Khoa học để thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn của Mỹ thông qua các khoản trợ cấp liên bang trị giá 52,7 tỷ USD. 

Đến tháng 10 cùng năm, Nhà Trắng mở rộng đáng kể danh sách hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc, tập trung vào chip bán dẫn tiên tiến, phần mềm sản xuất chip và nhân tài công nghệ.

pzweox44trowjlzynp53cfc4ly.jpg
Thiếu chip làm lộ "gót chân Achilles" của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các nỗ lực hạn chế được tăng tốc vào tháng 1/2023 khi Mỹ bắt tay với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế việc cung cấp các thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.

"Đây là một cú sốc ngành, tuy nhiên nó sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn...", ông Thomas Helbling, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết.

Theo SCMP, tổ chức có trụ sở tại Washington từ lâu đã cảnh báo về sự tách rời công nghệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự phân mảnh địa kinh tế, cho rằng điều này có thể dẫn đến thiệt hại khoảng 5% GDP toàn cầu.

Ông Helbling nói thêm: "Những hạn chế [chip] này có khả năng gây ra chi phí đáng kể."

Tình hình càng phức tạp hơn khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ​​sẽ thông qua Đạo luật Chip EU vào cuối năm nay. Đạo luật này kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi tỷ trọng của châu Âu trong năng lực sản xuất chip toàn cầu, lên khoảng 20%.

Phản ứng của Trung Quốc

Bắc Kinh hiện chưa đưa ra ước tính chính thức về những tổn thất kinh tế có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung cấp chip từ mức 30% vào năm 2019 lên 70% vào năm 2025.

Đầu tư và tốc độ nghiên cứu, phát triển chip của Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ.

Chi tiêu cho chip bán dẫn đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục 3,09 nghìn tỷ NDT (455 tỉ USD) vào năm 2022, chiếm khoảng 2,55% GDP quốc gia.

"Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu tập trung vào các công ty Mỹ trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tương đối yếu", ông Hyung-Gon Jeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, nhận xét.

"Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể nếu các công ty đa quốc gia như vậy lần lượt rời khỏi Trung Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ".


(0) Bình luận
Thiếu thứ "nhỏ nhưng có võ", tham vọng soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc gặp lực cản chưa từng có
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO