Thiếu sự đồng bộ trong triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ

Hải Sơn | 09:12 25/04/2025

Để triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược, tuy nhiên đây là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu.

Thiếu sự đồng bộ trong triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. (Ảnh: NHNN)

Đây là nội dung được trao đổi tại buổi làm việc của NHNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) và đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược chiều ngày 24/4 tại Hà Nội.

Nhiều ngân hàng cam kết tham gia

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số.

Muốn có đầu tư thì phải có nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi. Đầu tư cho các dự án trọng điểm bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau, như ngân sách, vốn FDI… Nhưng trong đó, tín dụng ngân hàng vẫn là một nguồn vốn quan trọng.

Trước tình hình trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Phó Thống đốc cho rằng đây là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn còn gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như không đáp ứng điều kiện vay vốn…

Đối với gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, theo Phó Thống đốc, về phía các ngân hàng đã cam kết tham gia, cơ bản đã đủ 500.000 tỷ đồng và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về việc cho vay trung, dài hạn.

Thực tế, vốn ngân hàng có bản chất là vốn ngắn hạn. Hiện nay, để đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Điều này cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn quốc tế như Basel II, Basel III. Luật các TCTD sửa đổi cũng có nhiều quy định liên quan đến đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng trong vấn đề cho vay.

“Vì vậy, việc cho vay trung và dài hạn cũng chính là một ưu đãi từ phía ngân hàng. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm đồng thuận tham gia gói tín dụng này”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cần coi là nhiệm vụ trọng tâm

Theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để gói tín dụng này đi vào cuộc sống, Phó Thống đốc cho rằng cần một số điều kiện. Cụ thể, các bộ, ngành cần có kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… Từ đó, ngành Ngân hàng cũng chủ động trong việc chuẩn bị nguồn vốn để cho vay.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN thông tin, về phía NHNN, các vụ cục chuyên môn sẽ có sự điều chỉnh đối với các quy định theo hướng hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia dự án này. “Điều này sẽ được cụ thể hoá trong các thông tư, hướng dẫn của NHNN trong thời gian tới”, ông Quang cho biết.

Các ngân hàng thương mại tại buổi làm việc cũng đưa ra những kiến nghị để góp phần giúp gói tín dụng đi vào đời sống một cách hiệu quả. Ông Tô Huy Vũ, Chủ tịch HĐTV Agribank đề xuất một số giải pháp để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Đơn cử như cần có kế hoạch vốn của nền kinh tế trong từng giai đoạn để các ngân hàng cân đối cho vay. Đối với việc xác định lãi ưu đãi của gói vay cần cân nhắc đến một số yếu tố như lạm phát tăng cao, tạo áp lực lãi suất, tỷ giá tăng.

Đại diện các bộ ngành tham gia buổi làm việc cũng nhất trí với quan điểm của Chính phủ, của NHNN về sự cần thiết của gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Đồng thời, các đại diện cũng cho biết sẽ báo cáo lại với các cấp lãnh đạo để sớm đưa ra kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… để phối hợp tốt ngành Ngân hàng trong việc chủ động trong việc chuẩn bị nguồn vốn cho vay.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay, hiện Bộ này chỉ tập trung quản lý vốn đầu tư công, chưa có cơ sở đề xuất danh mục dự án, nội dung này phần lớn liên quan đến doanh nghiệp, nên cơ quan này chưa đề xuất được danh mục dự án cũng như nhu cầu tín dụng.

Trong khi đó, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, dù được giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng số nhưng hiện chưa có danh mục dự án cụ thể cần vay vốn, vì chủ yếu các dự án trước đến nay dùng vốn đầu tư công.

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu. Bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cần nhìn nhận rõ là ngân hàng không thể thay thế vai trò điều tiết vốn đầu tư công của Nhà nước. Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao. Do đó, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng đi vào thực chất.

"Để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ sắp tới, các bộ ngành quan tâm hơn tới các nội dung cần phối hợp như đã trao đổi, cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thiếu sự đồng bộ trong triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO