Kỳ vọng của VNDirect dựa trên đánh giá nhu cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong khi nguồn cung có thể không bắt kịp nhu cầu do các khoản đầu tư mới cho hoạt động thượng nguồn sụt giảm trong nhiều năm, gây khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.
Dự báo về sự phục hồi giá ấn tượng
VNDirect kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình khoảng 75 USD/thùng trong năm 2022.
Giá dầu Brent đạt đỉnh 86 USD/thùng trong tháng 10/2021, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dự kiến đạt mức trung bình cả năm 2021 là 71,5 USD/thùng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Sự phục hồi giá ấn tượng đến từ sự phục hồi nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch cùng với cuộc khủng hoảng khí tự nhiên trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm, trong khi nhu cầu thế giới đang trên đà phục hồi…
Năm 2022, nhu cầu dầu thô thế giới sẽ được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh và hoạt động du lịch quốc tế sôi động trở lại khi nhiều quốc gia mở lại biên giới bên cạnh động lực ngắn hạn đến từ việc chuyển đổi từ khí sang dầu trong ngành điện ở khu vực châu Á và châu Âu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.
Về phía nguồn cung, giá dầu năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi OPEC+ vẫn thận trọng trong việc tăng sản lượng cùng với sự phục hồi chậm của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc thiếu hụt các khoản đầu tư mới trong nhiều năm khiến việc tăng sản lượng khai thác dầu gặp nhiều khó khăn.
Trong thực tế, mức độ tuân thủ cam kết sản lượng của OPEC+ đã tăng lên 116% trong tháng 11/2021, từ mức 113% vào một tháng trước đó, cho thấy tổ chức này đã không thể cung cấp đủ dầu ra thị trường theo thoả thuận.
Trong tháng 11, các nước tiêu thụ dầu lớn do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu, tuy nhiên đây chỉ là yếu tố ngắn hạn và có tác động hạn chế đến cán cân toàn cầu.
Mặc dù sự phục hồi nguồn cung theo sau đà tăng giá dầu có thể đang diễn ra, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài quý tới.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã phủ bóng lên thị trường dầu thô toàn cầu vì nó có thể hạn chế các hoạt động đi lại và gây cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu.
Thị trường xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng
Tại thị trường Việt Nam, năm 2021, tổng sản lượng khai thác dầu khí trong nước ước tính giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2020 xuống 18,4 triệu tấn quy dầu.
Như vậy, sản lượng khai thác dầu trong nước liên tục sụt giảm với tốc độ kép là 10,8% kể từ năm 2015. Nguyên nhân chính là do không có dự án khai thác dầu khí lớn nào trong những năm gần đây. Trong khi đó, hầu hết các mỏ hiện hữu tại Việt Nam đã ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, với sản lượng suy giảm tự nhiên 15-25% mỗi năm.
Hiện tại, Việt Nam còn khoảng 50% trữ lượng dầu khí chưa được khai thác, trong đó trữ lượng khí chiếm khoảng 60-70%.
Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng Lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, sản lượng khai thác khí dự kiến sẽ vượt sản lượng dầu thô trong giai đoạn 2021-25 với mức sản lượng trung bình là 11,1 tỷ m3/năm.
Như vậy, các dự án phát triển mỏ khí sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn tới. Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Năm được dự báo sẽ đạt tốc độ trăng trưởng hằng năm kép là 8,1% trong giai đoạn 2021-2030.
Trên thị trường bán lẻ xăng dầu, năm 2021, tốc độ phục hồi của các công ty kinh doanh xăng dầu đã bị chậm lại trong nửa cuối năm do sự bùng phát của biến thể Delta. Tuy nhiên thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022 do được hỗ trợ bởi nhu cầu đi lại của người dân và hoạt động sản xuất của Việt Nam phục hồi từ quý 4/2021 trở đi khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội.
Cùng với đó, mức tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tính theo đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP cao khoảng 7%/năm và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nên dự báo nhu cầu ô tô sẽ nhanh chóng phục hồi khi đại dịch được kiểm soát từ quý 4/2021, mang lại lợi ích cho các nhà phân phối xăng dầu lớn tại Việt Nam.
Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, Chính phủ dự kiến nhu cầu xăng dầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5%/năm trong cùng thời kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,3%/năm.