Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang “nguội dần”

Minh Trang | 11:56 25/05/2022

Sau khi có "lệnh nóng" từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc xử nghiêm vi phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn được các doanh nghiệp rốt ráo thực hiện.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang “nguội dần”
Doanh nghiệp rốt ráo mua lại trái phiếu đã phát hành. (Ảnh: Int)

Một số chuyên gia tài chính nhận định, việc kiểm soát chặt thị trường trái phiếu khiến lượng phát hành sẽ suy giảm và kênh huy động vốn này sẽ nguội dần.

Ồ ạt mua lại trước hạn

Mới đây, Ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố thông tin về đợt mua lại trái phiếu trước hạn. Theo đó, từ ngày 11/6-30/7, ngân hàng này sẽ mua lại hơn 5.000 tỷ đồng trái phiếu. Mua lại theo quyền mua lại trước hạn của Tổ chức phát hành.

Đây là trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng VND, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV theo quy định hiện hành. Lãi suất trái phiếu: Lãi suất thả nổi = Lãi Suất Tham Chiếu + 0,7% /năm

Tập đoàn Gelex vừa thông báo đã mua lại trước hạn toàn bộ 300 trái phiếu mã GEXH2124001 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có lãi suất cố định 8,5%/năm và theo kế hoạch sẽ đáo hạn đến ngày 19/5/2024.

Ngân hàng Phương Đông cũng mua trước hạn toàn bộ một lô trái phiếu 200 tỷ đồng vào ngày 12/5, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước gói trái phiếu 155 tỷ đồng vào ngày 18/5.

Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Chứng khoán MBS mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10.

Ngân hàng TPBank cũng tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Ngân hàng MSB mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023.

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng vừa thông báo kết quả mua trái phiếu trước hạn. Theo đó, NBB vừa mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu để giảm xuống từ 350 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng trong đợt phát hành tháng 6/2021, thời gian mua lại từ 9/5 đến 12/5. Đây là trái phiếu phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024 và mã trái phiếu là NBBH2124001.

Thanh lọc thị trường

Bộ Tài Chính cho biết, trái phiếu doanh nghiệp nói chung chỉ phát hành mạnh trong tháng 1 trước khi Thông tư số 16/2021 có hiệu lực. Khối lượng phát hành giảm dần trong tháng 2-3 và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4.

Theo đó, tổng lượng trái phiếu phát hành trong quý 1 vẫn đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đã kém sôi động hơn so với các quý liền kề trước đó. Doanh nghiệp bất động sản vẫn tích cực phát hành trái phiếu trong quý đầu năm với tổng khối lượng là 38.200 tỷ đồng (chiếm tới 62% tổng lượng phát hành). Tuy nhiên lượng phát hành trong tháng 4 sụt mạnh còn 820 tỷ đồng (so với mức bình quân năm 2021 là 26.000 tỷ đồng/tháng).

Liên quan đến hoạt động mua lại, sau vụ huỷ bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu trị giá gần 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và có lệnh nóng từ UBCK Nhà nước là xử nghiêm vi phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn được các doanh nghiệp rố tráo thực hiện.

Nếu như cả quý 1/2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỉ đồng thì tính đến cuối tháng 4, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 24.700 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1/2022.

Bộ Xây dựng nhận định, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu gây rủi ro cho thị trường.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu ngắn, khoảng 3-5 năm nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm nên rủi ro với nhà đầu tư là không nhỏ.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp thường là dự án bất động sản, nhưng công tác định giá tài sản đảm bảo lại không sát với thực tế, cao hơn giá trị thực, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu bất động sản.

Theo ước tính của SSI Research, trong các năm 2022 và 2023, khối lượng đáo hạn trái phiếu rất lớn. Do đó, việc mua lại trước hạn cũng có mặt tích cực là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay cao hơn lãi vay ngân hàng và giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp hoàn thiện bức tranh tài chính của mình.

Thêm nữa, các chuyên gia này lưu ý hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy nhu cầu phát hành trái phiếu dự kiến vẫn rất dồi dào.

Theo nhận định của SSI Research, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào, tuy nhiên, những thay đổi về quy định pháp lý tác động mạnh đến thị trường.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ” – SSI Research dự báo.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang “nguội dần”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO