Trải qua hai năm thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi từ kênh truyền thống sang các kênh trực tuyến, đồng thời gia tăng giá trị mua sắm và ưu tiên mua sắm cả những mặt hàng thiết yếu, chăm sóc sức khoẻ-làm đẹp, thực phẩm tươi sống… trên nền tảng số. Báo cáo SYNC Đông Nam Á của Meta và Bain & Company cho thấy rằng thị trường TMĐT đang chiếm đến 51% chi tiêu trực tuyến của người Việt Nam trong năm 2022. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hiểu biết nhiều hơn về kỹ thuật số và có xu hướng sử dụng nhiều nền tảng mua sắm để tìm kiếm sản phẩm dịch vụ tốt hơn, trong đó 22% số đơn hàng trực tuyến được họ thực hiện trên các nền tảng TMĐT khác nhau.
Theo ghi nhận của Lazada Việt Nam trong quý 3 vừa qua, các thương hiệu nội địa Việt Nam được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trên sàn TMĐT này, đặc biệt là những thương hiệu thuộc ngành hàng thời trang, làm đẹp và du lịch Việt Nam đã lọt top những thương hiệu được yêu thích nhất của hệ thống gian hàng chính hãng LazMall. Thống kê của Lazada cũng cho thấy mức tăng trưởng doanh thu vượt trội của những ngành hàng này trong các lễ hội mua sắm lớn 9.9 và 10.10.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng kì vọng nhiều hơn vào một hành trình trực tuyến hoàn toàn liền mạch, từ giai đoạn khám phá sản phẩm cho đến giai đoạn mua hàng, thậm chí là sau bán hàng. Chính vì vậy, các sàn TMĐT nhanh chóng phát huy lợi thế về công nghệ để gia tăng trải nghiệm khách hàng khi tích hợp mua sắm với nhiều hoạt động giải trí trực tuyến khác như xem livestream, trò chơi, tham gia các đại nhạc hội lớn, giao lưu với người nổi tiếng… Điều này không chỉ giúp cho lượng khách hàng đổ về TMĐT lớn mà còn "giữ chân" họ trên sàn, tăng cường tương tác của khách hàng với nền tảng và kích thích nhu cầu mua sắm tăng cao.
Điển hình là kênh LazLive trên ứng dụng Lazada đạt số lượt người xem vào quý 3 năm 2022 tăng 97% so với cùng kì năm ngoái; tính năng Nhìn thấy – Mua ngay trên kênh này kết hợp với những ưu đãi độc quyền từ sàn cũng giúp cho số lượng sản phẩm được thêm vào giỏ hàng và doanh thu trên LazLive tăng hơn 4 lần so với cùng thời điểm năm 2021.
Cùng với nhu cầu mua sắm tăng cao, các doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán hàng cũng chớp lấy thời cơ chuyển đổi, mở rộng mô hình hoạt động kinh doanh thương mại trên nền tảng TMĐT, đón đầu làn sóng mua sắm trên TMĐT cho các dịp lễ hội cuối năm và tết nguyên đán sớm hơn thường lệ. Báo cáo ''Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt'' của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company Việt Nam chỉ rõ, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.
Bên cạnh đầu tư cho sản phẩm và dịch vụ, không ít các doanh nghiệp đã tận dụng những giải pháp tiếp thị kỹ thuật số của sàn TMĐT như Tài trợ tìm kiếm sản phẩm (Sponsored Discovery), Giải pháp tiếp thị liên kết (Sponsored Affiliate), Tài trợ hiển thị (Sponsored Display) và Tài trợ ra mắt sản phẩm mới (New product launcher)… để thúc đẩy tăng trưởng mạnh doanh thu trực tuyến. Việc đầu tư cho gian hàng và tham gia chương trình ưu đãi trong lễ hội mua sắm lớn cuối năm như 11.11, 12.12, Tết nguyên đán của sàn TMĐT sẽ giúp cho các doanh nghiệp và nhà bán hàng đón lượng khách hàng trực tuyến khổng lồ và tạo ra sự tăng trưởng vượt trội trong dịp này.
Đánh giá về tiềm năng thị trường TMĐT trong thời gian tới, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nhận định: "TMĐT sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế nếu đón đầu và đáp ứng nhanh chóng xu hướng người tiêu dùng."
Có thể thấy, TMĐT đang giữ vững "phong độ" bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế, dự báo tiếp tục tăng trưởng đột phá vào cuối năm 2022 và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.