Thị trường ô tô Việt Nam xô đổ mọi kỷ lục doanh số trong lịch sử, 3 ‘thế lực’ ‘nuốt gọn’ hơn 50% thị phần

Đức Nam | 10:38 14/01/2023

Năm đầu tiên bước khỏi đại dịch, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến màn bùng nổ doanh số mặc dù còn rất nhiều khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng.

Thị trường ô tô Việt Nam xô đổ mọi kỷ lục doanh số trong lịch sử, 3 ‘thế lực’ ‘nuốt gọn’ hơn 50% thị phần

Năm 2022 chứng kiến một cột mốc mới của thị trường ô tô Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số nhà sản xuất như Hyundai Thành Công và VinFast, tổng lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đạt 509.141 xe, vượt xa con số khoảng 410.000 xe của năm 2021. Đây là mức thống kê chưa đầy đủ bởi một số nhà sản xuất như Nissan, Subaru, Volkswagen cùng một số hãng xe sang như Audi, Mercedes-Benz, BMW… không công bố kết quả kinh doanh.

Hơn 509.000 xe là con số kỷ lục chưa từng đạt đến của thị trường ô tô Việt Nam trong một năm có khá nhiều sự kiện đặc biệt. Chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho các mẫu xe lắp ráp trong nước được xem là động thái kích cầu rất lớn giúp doanh số ô tô bùng nổ trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, đến giữa năm, hầu hết nhà sản xuất đều gặp tình trạng khan hiếm linh kiện, không có xe để giao cho khách dù nhu cầu cao. Vào giai đoạn cuối năm, những tín hiệu xấu nói chung về dự báo triển vọng kinh tế 2023 cùng với động thái hạn chế giải ngân cho vay mua xe đã khiến người dùng thắt chặt chi tiêu, doanh số giảm xuống dù lẽ ra, đó mới là thời điểm bùng nổ doanh số nhất.

3 “thế lực” của thị trường ô tô Việt Nam

Không quá bất ngờ khi 3 “thế lực” lớn nhất của thị trường ô tô Việt Nam thời điểm này là Toyota, Hyundai Thành Công và Thaco vẫn là đầu tàu của thị trường. Xét về thị phần, Thaco đã có một năm thành công khi 2 thương hiệu lớn họ chọn lắp ráp và phân phối là Kia và Mazda lần lượt chiếm 13,7 và 7% thị phần, đạt tổng mức thị phần 20,7%, chưa kể các thương hiệu như Peugeot, BMW hay Mini.

doanh-so-vn.jpg
Doanh số của các hãng xe lớn tại thị trường Việt Nam năm 2022. Số liệu: VAMA, HTC, VinFast.

Toyota sau khi bổ sung hàng loạt mẫu xe mới cũng vươn lên mạnh mẽ về doanh số, đạt hơn 91.000 chiếc bán ra, trung bình hơn 7.500 xe/tháng. Hãng xe Nhật Bản chiếm khoảng 17,9% thị phần ô tô Việt Nam, là hãng xe có thị phần lớn nhất thị trường. Mẫu sedan hạng B Toyota Vios cũng vượt mặt tất cả đối thủ để trở thành “vua doanh số” của thị trường ô tô Việt Nam với hơn 23.000 xe bán ra. Ngoài Vios, Toyota còn có thêm 2 mẫu xe khác lọt top 10 xe bán chạy nhất thị trường trong năm là Corolla Cross và Veloz Cross.

Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cũng thể hiện vị thế với hơn 81.500 xe bàn giao đến tay khách hàng Việt, chiếm 16% thị phần trong nước. Hầu hết mẫu xe của liên doanh này đều có doanh số tốt, cạnh tranh top đầu doanh số các phân khúc như Accent, Santa Fe, Tucson hay Creta.

Tổng cộng, 3 thế lực lớn này đã chiếm đến 54,6% doanh số thị trường ô tô Việt Nam, nhường khoảng gần một nửa thị phần cho tất cả hãng xe còn lại.

Đó là những cái tên như Mitsubishi với 7,8% thị phần, Honda với khoảng 6%, Ford chiếm 5,6%, VinFast 4,5%, Suzuki 3,1% và Isuzu với 2,1% thị phần thị trường cùng một số cái tên khác. 

hyundaisantafe202168-164474791-3636-8266-1644748534.jpg
Xe Hàn Quốc đã tụt lại khá xa so với xe Nhật về thị phần tại Việt Nam trong năm qua.

Một cuộc đua khá thú vị khác là giữa ô tô Hàn Quốc và Nhật Bản. Với 2 thương hiệu chủ lực là Hyundai và Kia, ô tô Hàn đã chiếm đến 29,7% thị phần ô tô trong nước. Trong khi đó, 6 thương hiệu ô tô Nhật Bản đáng chú ý gồm Toyota, Misubishi, Mazda, Honda, Suzuki, Isuzu chiếm đến 43,9% thị phần. Đây là mức chênh khá lớn cho thấy sự thắng thế của các mẫu xe Nhật Bản. Tuy nhiên, so với một số thị trường trong khu vực, mức độ vượt trội của doanh số xe Nhật tại Việt Nam vẫn chưa bằng.

Người Việt thích mua xe gì?

Trong số 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2022 thì 3 trong số đó là sedan hạng B, 3 chiếc SUV đô thị và 2 mẫu MPV - cho thấy đây vẫn là những dòng xe được người Việt ưa chuộng bậc nhất.

Đáng chú ý phân khúc sedan hạng B chứng kiến đến 2 mẫu xe đạt top đầu doanh số là Toyota Vios (23.529 xe) và Hyundai Accent (22.645 xe) trong khi model còn lại là Honda City cũng xếp vị trí thức 6 với hơn 14.600 xe bán ra. Như vậy, đây vẫn là phân khúc được người Việt ưa chuộng bậc nhất thị trường với ưu điểm là thiết kế nhỏ gọn, giá mềm, tiết kiệm nhiên liệu - phù hợp cho các gia đình nhỏ cũng như nhóm người chạy xe dịch vụ.

toyotavioswhite4jpg-1631940387.jpg
Toyota Vios là vua doanh số thị trường ô tô Việt Nam năm qua.

Trong khi đó, SUV đô thị là phân khúc đang phát triển “nóng” tại thị trường Việt Nam. Nó gần như có đầy đủ các ưu điểm của sedan hạng B nhưng được thiết kế gầm cao, được nhiều người ưa thích. Toyota Corolla Cross, Kia Seltos và Hyundai Creta là những mẫu xe bán chạy nhất ở phân khúc này.

Xu hướng tăng mua xe gầm cao cũng là xu hướng chung của thị trường ô tô Việt Nam. Theo số liệu của VAMA, đã có hơn 120.000 chiếc xe gầm cao thuộc các nhà sản xuất VAMA bán đến tay người tiêu dùng, tăng mạnh so với mức 92.000 chiếc vào năm ngoái.

Trong năm 2022, cũng đã có hàng loạt các mẫu xe gầm cao đáng chú ý đổ bộ thị trường Việt Nam như Hyundai Tucson, Creta, Ford Everest, Territory, Kia Sportage, VinFast VF8 vv…

mitsubishi-xpander-2022-2-.jpg
Phân khúc MPV cạnh tranh cực kỳ sôi động trong năm qua.

MPV là một phân khúc khác thể hiện rõ sự sôi động trong năm qua khi có thêm rất nhiều cái tên mới ra mắt cũng như mẫu xe cũ được làm mới. Mistubishi Xpander vẫn thống trị phân khúc này nhưng sự cạnh tranh hiện đã rất lớn với Toyota Veloz Cross hay Kia Carens, Hyundai Stargazer. Trong năm nay, đã có hơn 55.000 xe MPV thuộc VAMA bán ra thị trường.


(0) Bình luận
Thị trường ô tô Việt Nam xô đổ mọi kỷ lục doanh số trong lịch sử, 3 ‘thế lực’ ‘nuốt gọn’ hơn 50% thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO