Dầu tăng
Giá dầu tăng mặc dù các tài sản rủi ro khác giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh lần thứ 4 liên tiếp.
Giá dầu thô Brent tăng 1,51 USD, tương đương 1,6%, lên 96,16 USD trong khi dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 1,63 USD, tương đương 1,8%, lên 90 USD.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản để làm giảm lạm phát tiêu dùng - đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, mặc dù báo hiệu mức tăng trong tương lai có thể sẽ nhỏ hơn.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 3,1 triệu thùng trong tuần vừa qua, theo dữ liệu liên bang. Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5 tháng 12, được cho là sẽ hạn chế khả năng vận chuyển dầu thô và các sản phẩm của Nga trên toàn thế giới, và do đó có thể khiến thị trường trở nên bị thắt chặt.
Vàng giảm
Giá vàng giảm sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, vào hôm thứ Tư rằng còn quá sớm để thảo luận về việc tạm dừng tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,5% xuống 1.640,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,02% lên 1.650 USD sau quyết định của Fed.
Giá vàng đã tăng hơn 1% sau khi Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, như dự đoán rộng rãi, nhưng báo hiệu việc tăng chi phí đi vay trong tương lai có thể được thực hiện trong các bước nhỏ hơn.
Chỉ số Dollar index và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng trở lại sau những bình luận của ông Powell.
Đồng giảm
Giá đồng giảm vào thứ Tư do gia tăng kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng kiểm soát chống COVID-19 vào năm tới bị át đi bởi triển vọng ngắn hạn ảm đạm đối với ngành sản xuất và nhu cầu kim loại.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng giảm khi các thị trường chuẩn bị cho việc Fed tăng mạnh lãi suất sẽ kìm hãm hoạt động kinh tế.
Giá đồng giao sau trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,4% xuống 7.625 USD/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên tâm lý, mặc dù giá ở Thượng Hải tăng sau khi thị trường điều chỉnh từ mức thấp gần đây.
Hợp đồng cao su giao tháng 4 của Sở giao dịch Osaka giảm 2,3 yên, tương đương 1,1%, xuống 212,6 yên (1,44 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 225 nhân dân tệ lên mức 12.205 nhân dân tệ (1.678 USD)/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE tăng 4% vào thứ Tư khi thị trường tiếp tục phục hồi sau đợt giảm giá tuần trước xuống mức thấp nhất trong 15 tháng.
Cà phê arabica giao tháng 3 tăng 6,75 cent, tương đương 4% lên 1,7695 USD/lb, mở rộng đà phục hồi từ mức thấp nhất trong 15 tháng là 1,6595 USD chạm tới hôm thứ Sáu tuần trước.
Các đại lý cho biết sự sụt giảm xuất khẩu từ Honduras và Costa Rica trong tháng 10 đã làm thắt chặt nguồn cung ngắn hạn, với mức cộng của kỳ hạn tháng 12 so với tháng 3 tăng lên.
Cà phê robusta giao tháng 1 tăng 43 USD, tương đương 2,3%, lên 1.882 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong 14 tháng là 1.826 USD hôm thứ Ba.
Lúa mì và ngô giảm
Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tương lai từ Chicago đến châu Âu đều giảm mạnh vào thứ Tư sau khi Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tham gia vào một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, đảo ngược quyết định cuối tuần trước là rút khỏi giao dịch - một động thái đã khiến giá lúa mì kỳ hạn tương lai tăng lên trong mấy ngày qua.
Giá ngô giảm theo giá lúa mì cũng bởi tin tức về Biển Đen và lo ngại nhu cầu xuất khẩu yếu đối với nguồn cung của Mỹ. Tuy nhiên, giá đậu tương kỳ hạn đã kết thúc ở mức tăng sau một phiên giao dịch không ổn định, được nâng lên nhờ sức mạnh trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago giảm 56-1/2 cent xuống 8,46 USD/bushel sau khi giảm xuống 8,37-3/4 USD. Giá lúa mì cũng giảm ở châu Âu khi hợp đồng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Euronext - trụ sở tại Paris - kết thúc phiên giảm 16,5 euro tương đương 4,6% xuống 341,25 euro/tấn.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 10-1/4 cent xuống 6,87-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 1 tăng 6-1/4 cent lên 14,54 USD/bushel.
Dầu cọ cao nhất gần 12 tuần
Giá dầu cọ Malaysia giao sau kết thúc phiên giao dịch thứ a Tư đạt mức cao nhất gần 12 tuần do sự gián đoạn nguồn cung ở Nam Mỹ và Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 167 ringgit, tương đương 3,95%, lên 4.400 ringgit (929,05 USD)/tấn, mức giá cao nhất kể từ ngày 12/8.
Hợp đồng dầu đậu tương giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên phiên này tăng 3,8%, trong khi hợp đồng dầu cọ trên sàn này tăng 4,3%. Giá dầu cọ tại Chicago tăng 1,4%.
Khí đốt tăng mạnh
Giá hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng khoảng 10% trong một tuần giao dịch cực kỳ biến động do sản lượng sụt giảm vào đầu tháng và kỳ vọng nhu cầu khí đốt sẽ tăng khi Nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng Freeport ở Texas thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn tháng 12 tại Mỹ tăng 55,4 cent, tương đương 9,7%, đạt mức 6,268 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Trước đó, giá khí đốt Mỹ đã tăng 12% vào thứ Hai và giảm 10% vào thứ Ba.
Giá khí đốt tại châu Âu cũng tăng. Theo đó, giá khí đốt bán buôn của Anh và Hà Lan tăng vào sáng thứ Tư trong bối cảnh nhiệt độ giảm, trong khi lượng dự trữ đầy đủ và nguồn cung LNG dồi dào đã hạn chế khả năng tăng thêm.
Tại Anh, hợp đồng khí đốt giao ngay tăng 33 pence lên 75 pence/therm, trong khi hợp đồng giao hàng ngày hôm sau tăng 39 pence lên 83 pence/therm. Tại Hà Lan, hợp đồng khí giao trong ngày đã tăng từ 21 euro đến 42 euro cho mỗi megawatt giờ (MWh).
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tăng vào thứ Tư khi các nhà quản lý Trung Quốc đảm bảo với các nhà đầu tư rằng phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu, đồng thời cam kết giữ cho thị trường bất động sản và nội tệ ổn định.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 2,3% lên 629 nhân dân tệ (86,50 USD)/tấn, kéo dài mức tăng của phiên liền trước.
Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 12 tăng 2,6% lên 80,15 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 3/11: