Dầu tăng hơn 2%
Giá dầu tăng hơn 2% và có tuần tăng hơn 8%, do Nga thông báo kế hoạch giảm sản lượng trong tháng tới sau khi phương Tây áp đặt giá trần với dầu thô và nhiên liệu của nước này.
Chốt phiên 10/2, dầu thô Brent tăng 1,89 USD hay 2,2% lên 86,39 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 1,66 USD hay 2,1% lên 79,72 USD/thùng. Trong cả tuần dầu Brent tăng 8,1%, dầu WTI tăng 8,6%.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga có kế hoạch giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày trong tháng 3 tương đương khoảng 5% sản lượng.
Các quốc gia phương Tây đã áp đặt giá trần cố gắng bóp nghẹt doanh thu dầu mỏ của Nga để đáp trả hành động của Nga ở Ukraine. Việc cắt giảm sản lượng cho thấy mức giá trần gần đây của Liên minh Châu Âu và lệnh cấm sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2 đã có một số ảnh hưởng.
Sản lượng của Nga năm ngoái không theo dự đoán sụt giảm, nhưng việc bán dầu trong năm nay sẽ khó khăn hơn khi đối mặt với những lệnh trừng phạt mới.
OPEC+ không có kế hoạch hành động sau khi Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu.
Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu mỏ Lipow cho biết “trong ngắn hạn, (việc cắt giảm sản lượng của Nga) không có ý nghĩa nhiều khi lịch trình bảo dưỡng nhà máy lọc dầu đáng kể làm giảm nhu cầu hiện nay, nhưng trong tương lai và nhu cầu dầu thế giới tiếp tục phục hồi, nó sẽ làm tăng thiếu hụt nguồn cung”.
Những lo ngại về kinh tế vẫn gây áp lực lên giá, với số liệu nhu cầu yếu từ Trung Quốc và lo sợ suy thoái ở Mỹ. Cũng hạn chế đà tăng là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng và dự trữ dầu nhiều hơn.
Goldman Sachs giảm dự báo giá dầu Brent năm 2023 xuống 92 USD/thùng từ 98 USD/thùng và dự báo giá năm 2024 xuống 100 USD từ 105 USD/thùng.
Các quan chức tại các quốc gia OPEC cho biết giá dầu có thể tiếp tục tăng trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi những hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ và việc thiếu đầu tư hạn chế sự gia tăng nguồn cung, ngày càng nhiều người dự báo giá dầu có thể quay lại mức 100 USD/thùng.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm số giàn khoan khí nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng 10/2017, trong khi bổ sung thêm số giàn khoan dầu trong một tuần nhiều nhất kể từ tháng 6/2022.
Vàng trái chiều
Giá vàng giao ngay tăng trong phiên cuối tuần khi thị trường đợi số liệu lạm phát của Mỹ công bố trong tuần tới để có manh mối về quỹ đạo chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.864,1 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 giảm 0,2% xuống 1.874,5 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đợi số liệu giá tiêu dùng của Mỹ công bố trong ngày 14/2. Trong khi những lo ngại về suy thoái toàn cầu, sự tăng mạnh trong các thị trường trên thế giới cho thấy sự lạc quan đang quay trở lại, có thể làm giảm chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Chỉ số USD tăng 0,7% trong tuần này, ngoài ra lợi suất trái phiếu đạt cao nhất trong hơn một năm.
Vàng được xem như phòng hộ chống lại lạm phát, nhưng lãi suất tăng có xu hướng làm tăng chi phí giữ vàng.
Đồng giảm tuần thứ ba liên tiếp
Giá đồng theo hướng giảm tuần thứ ba liên tiếp, do nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu và các nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát công bố vào thứ ba tuần tới có thể cho manh mối về chiều hướng chính sách tiền tệ của Mỹ.
Đồng đã đạt cao nhất 7 tháng tại 9.550,5 USD/tấn trong tháng 1 do các nhà đầu cơ đặt cược rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi sinh và Mỹ sẽ không tăng tiếp lãi suất, loại bỏ lực cản đối với tăng trưởng kinh tế và khiến USD suy yếu.
Nhưng số liệu việc làm của Mỹ mạnh trong tuần trước làm dấy lên lo sợ lãi suất tăng tiếp và USD mạnh lên.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,5% xuống 8.851 USD/tấn và cũng giảm khoảng 1,5% trong tuần này.
Giá kim loại này vẫn tăng 15% kể từ đầu tháng 11/2022.
Nhu cầu của Trung Quốc có thể chưa phục hồi cho tới quý 2, làm tăng nguy cơ giảm giá trong ngắn hạn.
Tết Nguyên đán thường là giai đoạn nhu cầu yếu ở Trung Quốc và tồn kho đồng tại sàn Thượng Hải có xu hướng tăng mạnh, đạt đỉnh vào tháng 3.
Tuy nhiên, dự trữ đồng tại các kho ngoại quan của Trung Quốc ở mức 129.300 tấn, thấp hơn nhiều mức thông thường và dự trữ tại kho LME là 63.100 tấn, thấp nhất kể từ năm 2005.
Quặng sắt trái chiều
Giá quặng sắt Đại Liên tăng trong một phiên giao dịch biến động, trong khi quặng sắt tại Singapore giảm, do các nhà đầu tư giảm lạc quan về triển vọng nhu cầu.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 0,8 CNY lên 863,5 CNY (126,98 USD)/tấn, đảo lại chiều giảm ban đầu. Tính chung cả tuần giá tăng 1,7%.
Tại Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 3 giảm 0,1% xuống 123,9 USD/tấn và ghi nhận tuần thứ hai giảm giá liên tiếp.
Lợi nhuận thép đang cải thiện tại Trung Quốc, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất lớn nhất thế giới đã hỗ trợ giá quặng sắt trong tuần này.
Tuy nhiên, dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc đang tăng có thể hạn chế giá quặng sắt tăng tiếp, do các nhà phân tích cho biết giá hiện nay đã phản ánh triển vọng nhu cầu mạnh khi Trung Quốc mở cửa trở lại và đưa ra các biện pháp hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản.
Dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tăng lên 136,5 triệu tấn trong tuần trước, cao nhất kể từ tháng 12/2022, theo số liệu của SteelHome.
Giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,1%, thép cuộn cán nóng giảm 0,2%, thép không gỉ giảm 0,9%.
Cao su giảm
Giá cao su Nhật Bản kết thúc phiên giảm và có tuần giảm thứ hai liên tiếp do thị trường Thượng Hải giảm và lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu.
Trên sàn giao dịch Osaka, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 1,3% xuống 224,5 JPY (1,71 USD)/kg. Hợp đồng này đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/1 tại 223,9 JPY trong đầu phiên này. Tính chung cả tuần hợp đồng cao su giảm 0,8%.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su giao tháng 5 giảm 125 CNY xuống 12.545 CNY (1.845 USD)/tấn.
Dự trữ cao su tại kho của sàn Thượng Hải tăng 1,5% so với một tuần trước.
Đường thô đạt đỉnh 6 năm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,13 US cent hay 0,6% lên 21,58 US cent/lb. Trong phiên hợp đồng này đã tăng lên mức cao nhất 6 năm tại 21,89 US cent. Thị trường có tuần tăng khoảng 1,6%.
Lo ngại về nguồn cung đường toàn cầu bởi dự đoán sản lượng giảm tại cả EU, đặc biệt nhà sản xuất lớn thứ hai của khối, Pháp và Ấn Độ.
Theo tổ chức Unica sản lượng mía được đưa vào sản xuất đạt 307.000 tấn trong nửa cuối tháng 1, tăng so với cùng kỳ năm trước khi quá trình chế biến đã dừng vào thời điểm này.
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 9 triệu tấn đường trong năm 2022/23, tăng 17% so với một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 1,5 USD hay 0,3% xuống 570,80 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,95 US cent hay 0,5% lên 1,7465 USD/lb. Thị trường ghi nhận tuần tăng khoảng 0,78%.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn tập trung vào quy mô sản lượng cà phê năm nay của Brazil với nhiều người hiện nay dự đoán không lớn như đã dự đoán vài tháng trước.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 7 USD hay 0,3% lên 2.039 USD/tấn.
Lúa mì, ngô, đậu tương tăng
Giá lúa mì của Mỹ tăng được hỗ trợ bởi lo ngại thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine từ các cảng Biển Đen có thể đổ vỡ trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài gần một năm giữa hai nước leo thang.
Ngô và đậu tương cũng tăng, ngô tăng theo lúa mì và đậu tương được hỗ trợ bởi lo ngại về hạn hán ở Argentina.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông đóng cửa tăng 28-3/4 US cent lên 7,86 USD/bushel.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 tăng 23-1/4 US cent lên 15,42-1/2 USD/bushel và ngô cùng kỳ hạn tăng 9-3/4 US cent lên 6,80-1/2 USD/bushel.