Người lên hương, kẻ thất thế
Cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn và truyền thông trong thời gian gần đây trước hết phải kể đến Apax Leaders. Đây là thương hiệu có thế mạnh về giảng dạy tiếng Anh theo chương trình ESL, 100% giáo viên bản ngữ và ứng dụng công nghệ cao trong giảng dạy. Tuy sinh sau đẻ muộn so với các đối thủ ở cùng phân khúc, song đơn vị này cũng đã từng sớm vươn lên trở thành hệ thống lớn nhất cả nước với hơn 130 trung tâm, trải khắp 31 tỉnh thành trên cả nước.
Theo tìm hiểu, trung tâm Anh ngữ Apax Leaders được đổi tên từ Trung tâm Anh ngữ Apax English theo quyết định vào ngày 15-6-2018; Trung tâm Anh ngữ Apax English được đổi tên từ Trung tâm Anh ngữ Tháng Tư vào ngày 8-3-2018 và Trung tâm Anh ngữ Tháng Tư được cấp phép tổ chức đào tạo, bồi dưỡng vào ngày 15-7-2016.
Apax Leaders báo cáo doanh thu năm 2019 lên tới 1.482 tỷ đồng, tăng 64%. Apax Leaders là công ty con của Apax Holdings, doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy).
Trong mùa dịch, Apax cũng được đánh giá là có nền tảng chuyển đổi sang học trực tuyến với chương trình AVS khá tối ưu và duy trì được cơ bản hệ thống trung tâm trên toàn quốc với số lượng học viên ở mức tương đối lớn với hơn 70.000 học viên.
Mặc dù vậy kể từ sau dịch, đơn vị này cũng gặp phải những tổn hại về gánh nặng mặt bằng, chi phí lương cho đội ngũ vận hành và những cam kết về chất lượng đào tạo. Đó cũng là lý do khiến Apax vướng nhiều lùm xùm về đóng cửa mặt bằng không thông báo, nợ lương nhân viên và một số trung tâm tại các địa phương chất lượng dạy học chưa đúng như cam kết.
Trước áp lực đòi hoàn phí từ phía phụ huynh và các đối tác cho thuê mặt bằng, Apax đang phải tập trung tái cấu trúc theo hướng rút gọn, sáp nhập để tối ưu chi phí, nhân sự hiện có để vận hành chứ không thể đủ nguồn lực để dàn trải cho toàn bộ các trung tâm.
Theo Báo cáo của Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT TP.HCM, vào ngày 23-9-2022, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập đã tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (chi nhánh 17) để nắm bắt thông tin và báo cáo kịp thời. Đơn vị đã gửi tờ trình về việc giải thể và thay đổi địa điểm các trung tâm Anh ngữ Apax Leaders.
Ngày 15-12-2022, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập có mời đại diện Trung tâm lên làm việc và giải quyết đơn cứu xét của phụ huynh học viên các trung tâm trên địa bàn thành phố. Đơn vị đã gửi báo cáo về tình hình giải quyết các yêu cầu hoàn phí của phụ huynh và phương hướng vận hành trung tâm đến hết quý 1 năm 2023.
Tính đến thời điểm 15-12-2022, theo báo cáo, hệ thống Anh ngữ Apax Leaders có tổng số 41 trung tâm, trong đó có 11 trung tâm đang hoạt động, 10 trung tâm dự kiến chuyển địa điểm, 20 trung tâm dự kiến giải thể.
Theo một nguồn tin cho biết, kể từ thời điểm bắt đầu tái cấu trúc cuối tháng 10/2022 đến nay, mới có khoảng hơn 30 trung tâm Apax đủ điều kiện dự kiến tái khai trương trong tháng 02/2023.
Trong khi Apax liên tục phải thu hẹp, các thương hiệu lớn khác cùng phân khúc trong đào tạo Anh ngữ với Apax Leaders cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để mở rộng quy mô, tranh giành thị phần như: Apollo, iLa hay VUS…
Apollo English – được biết đến là hệ thống Anh ngữ lâu đời nhất Việt Nam. Apollo English được giới thiệu là thương hiệu duy nhất sử dụng phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi học sinh, giúp học sinh được truyền cảm hứng học tập và từ đó tạo ra sự tự tin và những kỹ năng cần có cho tương lai ngay từ khi còn nhỏ.
Thành lập năm 1995, đồng sáng lập hệ thống này là ông Khalid Muhmood (người Anh) và vợ - bà Arabella Peters. Họ đã đào tạo hơn nửa triệu học viên tại Việt Nam kể từ năm 1995. Số lượng trung tâm của Apollo English ngang ngửa với VUS nhưng doanh thu năm 2019 của Apollo chưa bằng một nửa, đạt 800 tỷ đồng, tăng 28%.
Từ sau khi dịch được kiểm soát vào giữa năm 2022, thương hiệu này đã tuyên bố sẽ mở thêm hàng chục trung tâm mới, nâng tổng số trung tâm vượt mốc 60 để trở thành hệ thống Anh ngữ có số lượng trung tâm nhiều nhất Việt Nam ở phân khúc cao cấp. Các trung tâm mới của Apollo English được tiết lộ là sẽ tập trung nhắm tới thị phần tại các tỉnh thành như: tỉnh Vĩnh Phúc (TP. Vĩnh Yên), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), TP. Hà Nội (Quận Hoàng Mai, Quận Hai Bà Trưng, Quận Long Biên, Quận Thanh Xuân, Huyện Gia Lâm), TP. Hồ Chí Minh (Quận 6, Quận 7, TP. Thủ Đức)...
Không chỉ Apollo, Công ty TNHH ILA cũng là cái tên đáng chú ý trong mảng giáo dục tiếng Anh. Vào năm 2019, đơn vị này sở hữu 43 trung tâm tại 12 thành phố lớn, tổng số học viên đã học lên tới 1 triệu người. Tuy nhiên, chúng tôi tạm thời chưa thu thập được số liệu về kết quả kinh doanh.
ILA là một công ty vốn ngoại, cập nhật đến tháng 1/2018, chủ sở hữu của họ là Worldwide Education and Traning Limited có trụ sở tại British Virgin Islands.
Sau khi dịch được kiểm soát vào giữa năm ngoái, iLA cũng đã kịp khai trương trung tâm thứ 20 tại TP. Hồ Chí Minh và là trung tâm thứ 45 của hệ thống này trên toàn quốc. iLa cũng là một trong những thương hiệu đào tạo Anh ngữ được giới thiệu là có lợi thế về đội ngũ giáo viên bản ngữ với hơn 700 người có bằng cấp và có kinh nghiệm. Tất cả các giáo viên đều bắt buộc đã có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ và bằng cấp giảng dạy Anh ngữ được chứng nhận quốc tế.
Còn với CTCP Quốc tế Anh văn hội Việt Mỹ (VUS) năm 2019 đem về 1.747 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng hơn 23%. Trung tâm tiếng Anh hàng đầu và lâu năm tại Việt Nam có vốn điều lệ tương đối mỏng, chỉ hơn 20 tỷ đồng. Gần 70% cổ phần công ty này thuộc về Bletchley Pte. Limited (Singapore). Vào thời điểm năm 2019, VUS có 39 trung tâm trên toàn quốc, trong đó tập trung chủ yếu tại TP HCM với 28 cơ sở.
Từ tháng 5 tới tháng 12/2022, đơn vị này cũng đã khai trương 14 cơ sở mới tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Tây Ninh, Vĩnh Long và Đồng Nai, nâng tổng số trung tâm của hệ thống VUS chạm mốc 54 trung tâm toàn quốc. VUS cũng là một trong những thương hiệu đào tạo anh ngữ lâu đời, với số lượng học viên lớn, khoảng hơn 77.000 học viên. VUS cũng có thế mạnh về ứng dụng công nghệ cao vào giảng dạy như công nghệ nhận diện giọng nói AI, Student Portal, LMS, Online practise, CPL….
Quy mô doanh số hàng ngàn tỷ của thị trường đào tạo tiếng Anh
Ngay từ trước Covid-19, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (2008 – 2020) đã được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là không thành công. Năng lực ngoại ngữ của người Việt vẫn còn thấp. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 65 trên 100 quốc gia về chỉ số EF English Proficiency Index, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của công ty English First (Thụy Điển). Thống kê cho thấy, Việt Nam tụt hạng liên tục từ năm 2015, cùng với số lượng các nước khảo sát tăng lên. Điều này góp phần tạo nên một thị trường đào tạo tiếng Anh (English Language Traning) màu mỡ dành cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Thị trường đào tạo tiếng Anh (English Language Traning) tại Việt Nam vì thế càng trở nên vô cùng màu mỡ dành cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Doanh thu của các trung tâm Anh ngữ lớn tại Việt Nam đều tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm trước khi Covid xuất hiện.
(*) Năm tài chính của British Council kết thúc vào ngày 31/3
Cho đến năm 2019, hầu hết các trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam đều báo lãi. Biên lợi nhuận gộp của lĩnh vực kinh doanh này tương đối tốt, top đầu thuộc về Apollo English và Apax English khoảng 50%; VUS và British Council dao động từ 40% - 45%; thấp nhất thuộc về Yola chỉ khoảng hơn 30%.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp đều sụt giảm theo từng năm, điều này có thể phản ánh phần nào tính cạnh tranh trên thị trường giáo dục tiếng Anh ngày một gia tăng.
Về thứ hạng về lợi nhuận ròng ghi nhận trước dịch, VUS báo lãi 366 tỷ đồng trong năm 2019, gấp hơn 3 lần Apax English thu về 113 tỷ đồng. Kế đến Apollo English lãi 91 tỷ đồng và British Council lãi 31 tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia giáo dục nhận định, thị trường đầu tư giáo dục nói chung và đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam nói riêng thực sự rất có tiềm năng. Điều này không chỉ bởi quy mô dân số gần 100 triệu dân, lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN và cơ cấu dân số trẻ với khoảng hơn 40% dân số nằm trong độ tuổi dưới 24 mà còn bởi chính sách cam kết ưu tiên đầu tư hằng năm cho giáo dục của Chính phủ Việt Nam là tương đối lớn với khoảng 20% ngân sách. Cùng với đó, tầng lớp người giàu cũng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu cho con cái học tập tại các hệ thống giáo dục thuộc phân khúc cao với chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế.
Covid-19 khiến không ít thương hiệu gặp phải tổn thất nặng nề, phải thu hẹp quy mô, song đây cũng là lúc nhiều thương hiệu khác tiếp tục thúc đẩy việc tái khai trương và mở mới hệ thống các trung tâm để kịp lấp nhu cầu. Thực tế này đã khiến thị trường đầu tư đào tạo tiếng Anh trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Quy mô và thị phần của "miếng bánh" đào tạo tiếng Anh béo bở vì thế cũng sẽ được phân chia lại với tỷ lệ rất khác so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Đại dịch ập đến và kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến cho việc học tập bị gián đoạn. Và khi những kỳ vọng từ việc cải thiện chất lượng giáo dục của khu vực công lập vẫn còn chưa thỏa mãn yêu cầu của phụ huynh, học sinh thì "cơn khát" các chương trình giáo dục hiện đại, trong đó có tiếng Anh mà các thương hiệu tư nhân lớn đang cung cấp vẫn đang thực sự là mảnh đất màu mỡ. Đó cũng là lý do mảng đào tạo tiếng Anh và trường quốc tế phổ thông là mảng giáo dục luôn tăng trưởng nhanh tại Việt Nam vài năm trở lại đây, với tỉ lệ tăng bình quân 20%/năm, theo đánh giá của Kaizen PE.
Tuy nhiên, thị trường tiềm năng luôn đi liền với sự canh tranh gay gắt và biến động quy mô, thị phần giữa các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục. Đây cũng là vấn đề tất yếu và là động lực để thúc đẩy các đơn vị tham gia vào thị trường đào tạo Anh ngữ muốn tồn tại bền vững phải luôn nắm bắt cơ hội, thay đổi chiến lược kinh doanh và không ngừng đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của phụ huynh, học sinh.