Theo Vietdata, thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam bứt phá với tốc độ tăng trưởng trung bình 23% mỗi năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có dấu hiệu chững lại vào năm 2023 khi doanh thu chỉ tăng 9,3% so với năm 2022, và đạt 58.900 tỷ đồng.
Kể từ năm 2022, Viettel Post vươn lên dẫn đầu ngành, và theo ước tính của Vietdata, thị phần của Viettel Post tiếp tục tăng lên 17,2% trong năm 2023. GHTK giữ vị trí thứ 2 với 14,5% thị phần, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại. J&T Express và GHN bứt phá mạnh mẽ, liên tục thu hẹp khoảng cách với các đối thủ, đạt lần lượt là 10,6% và 7,91% thị phần năm 2023. Nhóm doanh nghiệp bưu chính truyền thống như Vietnam Post và EMS gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần, chỉ còn lần lượt 13,8% (xếp vị trí thứ 3) và 3,05% thị phần do sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mới. Miếng bánh còn lại là các doanh nghiệp chuyển phát nhỏ (Ninja Van, BEST Express, Nhất Tín Express, 247Express…), và các đơn vị chuyển phát thuộc các sàn thương mại điện tử (SPX Express, TikiNOW, Sendo Express, Lexim Post...).
Bên cạnh sự cạnh tranh về giá dịch vụ, thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics, số hóa dịch vụ và nâng cấp công nghệ của các phương tiện giao hàng và yếu tố then chốt để duy trì và/hoặc nâng cao lợi thế cạnh tranh của các “players” trong ngành.
Vietnam Post - quán quân bị bỏ lại phía sau
Dữ liệu của Vietdata cho thấy doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát của Vietnam Post liên tục giảm dần trong những năm gần đây, và ước còn 8.100 tỷ đồng trong năm 2023 (trên tổng doanh thu của công ty mẹ là 14.400 tỷ đồng). Theo đó, thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát của Vietnam Post giảm từ 20,36% (2021) còn 13,8% (2023).
Theo Vietdata, sự chậm trễ nắm bắt xu hướng chuyển dịch của thị trường, chậm trễ trong việc triển khai ứng dụng công nghệ, và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong khâu logistics, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số,... là những yếu tố làm VietnamPost - một đơn vị từng là "ông lớn" thống trị ngành bưu chính Việt Nam với lợi thế của một tổng công ty nhà nước - đang dần đánh mất thị phần trong những năm qua.
Viettel Post - ngôi sao mới mạnh mẽ vươn lên
Năm 2023, Viettel Post ghi nhận một số điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Theo Vietdata, trong năm này, tuy doanh thu hợp nhất ghi nhận giảm 9,3% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu cung cấp dịch vụ (chủ yếu là bưu chính, chuyển phát) vẫn tăng 12,1% đạt 10.140 tỷ đồng. Theo đó, thị phần bưu chính của Viettel Post tăng từ 16% (2021) lên 17,2% (2023).
Dù ViettelPost cũng từng là một đơn vị thành viên của Tập đoàn nhà nước, nhưng ngược với bức tranh “xám màu” của VietnamPost, ViettelPost đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ sau cổ phần hóa. Nhờ linh hoạt, nắm bắt tốt xu hướng thị trường, chiến lược sáng tạo, mở rộng chuỗi cung ứng, hợp tác mạnh mẽ với khách hàng B2B và thu hẹp mảng kinh doanh bán lẻ, Viettel Post tối ưu hóa nguồn lực, gia tăng thị phần lên vị trí dẫn đầu toàn ngành.
Giao hàng tiết kiệm (GHTK) chiếm ngôi “á quân” thị trường
Thành lập từ năm 2013, Giao hàng Tiết Kiệm (GHTK) là cũng một cái tên nổi bật, hiện đang nắm giữ thị phần số 2 trên thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam. Đặc biệt, GHTK dẫn đầu thị phần trong phân khúc phục vụ chuyển phát cho thương mại điện tử (eLogistics); chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi (Last-Mile Delivery) và thu tiền tận nơi (Cash-on Delivery) cho các cửa hàng và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Ưu thế của GHTK là tốc độ nhanh, giá cước cạnh tranh, và đặc biệt là tư duy phục vụ linh hoạt trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, thương hiệu có độ phủ sóng tại 63 trung tâm tỉnh thành trên cả nước với quy mô hơn 1.000 trung tâm vận hành và 550 chi nhánh.
Theo Vietdata, mặc dù GHTK vẫn mang về trên dưới 8.500 tỷ đồng và lãi vài trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng GHTK cũng đang đối mặt với một số thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng và thị phần. Năm 2023, mặc dù doanh thu chỉ giảm nhẹ 1,3% so với năm trước, nhưng thị phần của doanh nghiệp này đã từ 16% (2022) xuống còn 14,5%.
J&T Express - sức trẻ của tân binh
J&T Express là một đơn vị gia nhập thị trường “muộn nhất” so với các “ông lớn” khác trong ngành (chính thức hoạt động từ 2018). Nhưng với lợi thế là đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, và có kinh nghiệm và thị phần lớn trong lĩnh vực chuyển phát ở các quốc gia khác, J&T Express đã không ngừng đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, mở rộng mạng lưới, và nhanh chóng gia tăng thị phần tại Việt Nam.
Theo Vietdata, năm 2023 đánh dấu bước tiến vượt bậc của J&T Express khi ghi nhận doanh thu tăng 51,6% so với năm trước, đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ này, J&T Express, nắm trong tay thị phần ấn tượng 10,63%. Và đáng chú ý hơn cả, đây là năm đầu tiên J&T Express ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương kể từ khi tham gia thị trường Việt Nam.
Giao hàng nhanh (GHN), đi lên ổn định, so kè Top 5
Giao hàng nhanh (GHN) là một thương hiệu khác trong Top5 thị phần của thị trường bưu chính và chuyển phát Việt Nam. Nhờ chiến lược mở rộng mạng lưới bưu cục lên hơn 710 điểm trên cả nước, cùng việc nâng cấp hệ thống đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá của GHN.
Theo Vietdata, GHN là một trong số ít các doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh số mạnh và ổn định kể từ sau dịch COVID-19 đến nay. Cụ thể doanh thu 2021 - 2023 tăng lần lượt là 26%, 48% và 28,5% so với năm liền trước. Theo đó, thị phần GHN đã dần vượt qua EMS (một đơn vị thành viên của Vietnam Post, chuyên mảng chuyển phát nhanh, từng thuộc Top5 thị phần thị trường chuyển phát năm 2021). Hiện tại, GHN đang nắm giữ 7,91% thị phần (tăng so với mức 5,44% của 2021).