Thời gian qua, giao dịch trên thị trường chứng khoán khá ảm đạm khi VN-Index liên tục giằng co trong biên độ hẹp. Sau khi lãi suất có phần giảm nhiệt, câu hỏi lớn nhất mà nhà đầu tư quan tâm lúc này có lẽ là thị trường đã thực sự tạo đáy và cơ hội sẽ đến với nhóm cổ phiếu nào?
Điều chỉnh là cơ hội giải ngân tốt
Nhìn nhận về bối cảnh thị trường hiện tại, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường chứng khoán đang ở cuối giai đoạn suy thoái và sẽ kéo dài hết quý 2/2023.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế vẫn khó khăn, lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh, chính sách tiền tệ không còn quá thắt chặt và lạm phát được kiểm soát. Diễn biến TTCK là thanh khoản sụt giảm mạnh, thị trường dễ hình thành đáy dài hạn và tâm lý NĐT vẫn còn rất nghi ngờ.
Nhìn lại lịch sử, sau mỗi lần tạo đỉnh của lãi suất, VN-Index sẽ mất khoảng 7 tháng để tạo đáy đi lên. Hiện tại, chuyên gia Yuanta cho rằng lãi suất bắt đầu tạo đỉnh vào đầu năm, khoảng sau tháng 8 TTCK có thể tạo đáy và bắt đầu vào “sóng”.
Chuyên gia dự báo khoảng tháng 5 thị trường có thể sẽ có một cú điều chỉnh. Nguyên nhân một phần do hiệu ứng bán tháo “Sell in may” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Quan trọng hơn hết là tâm lý nhà đầu tư sẽ rất thận trọng, lo ngại về động thái bất ngờ của Fed trong cuộc họp lãi suất.
"Dù mức điều chỉnh có thể không quá mạnh, nhưng đem đến cơ hội giải ngân tốt cho nhà đầu tư để đón đầu chu kỳ tăng của thị trường sau khi đã qua giai đoạn khó khăn nhất", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Sang đến quý 2, ông Minh kỳ vọng TTCK sẽ bước vào giai đoạn phục hồi. Khi đó, tín dụng bắt đầu tăng trưởng, lợi nhuận tăng trưởng trở lại, tồn kho giảm và doanh thu tăng, lãi suất giảm.
Những cổ phiếu tăng mạnh nhất là dòng penny, trong đó nhóm tăng trưởng mạnh nhất là bất động sản, tiêu dùng không thiết yếu, xây dựng và VLXD, vận tải. Những nhóm tài chính, CNTT, thép sẽ phục hồi thấp hơn.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS đánh giá xu hướng đi lên của thị trường là khá chắc chắn do mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng VN-Index khó đi lên mặt bằng quá cao trong năm nay vì chịu tác động kép bởi lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm và dòng tiền vẫn chưa đổ vào chứng khoán khi lãi suất vẫn neo ở mức cao.
Dù cho rằng con đường đi lên của thị trường khá gập ghềnh, song chuyên gia vẫn lạc quan tin rằng VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm nếu Fed quay đầu giảm lãi suất vào cuối năm. Trong quá trình thị trường tăng, sẽ xen lẫn những nhịp điều chỉnh dù không quá sâu.
Chuyên gia cho rằng thời điểm thị trường giảm đến 50 điểm (từ mức đỉnh gần nhất) là cơ hội để mua vào cổ phiếu. Dù vậy, ông Tuấn vẫn khuyến nghị NĐT không nên quá lạc quan, đua mua bất chấp trong thời điểm này. Nhà đầu tư tham gia thị trường cần nhìn nhận rõ ba yếu tố là (1) bối cảnh vĩ mô (2) thời điểm đầu tư (3) lựa chọn nhóm ngành có sức mạnh về cơ bản và dòng tiền.
Một số nhóm ngành đáng chú ý
Về những nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong thời gian tới, Chứng khoán VCBS mới đây cũng đưa ra một vài gợi ý.
Thứ nhất, nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chuyên gia cho rằng, với tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023.
Theo đó, VCBS cho rằng các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.
Thứ hai, nhóm cổ phiếu bất động sản. Đây là nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất khi việc tiếp cận nguồn vốn vay hay huy động vốn từ khác kênh phi ngân hàng đều trở nên khó khăn hơn và mặt bằng lãi suất cũng cao hơn so với trong giai đoạn Covid. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty trong ngành cũng là nhóm có mặt bằng giá được chiết khấu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán kể từ vùng đỉnh 1.500 điểm của VN-Index.
Do đó, trong bối cảnh chính phủ đang tích cực đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nói chúng, VCBS cho rằng nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức hồi phục nhiều hơn các nhóm ngành khác nếu VN-Index tiếp tục duy trì được diễn biến tích cực trong những quý còn lại của năm nay.
Thứ ba, nhóm cổ phiếu chứng khoán. Nhóm cổ phiếu này cũng ghi nhận mặt bằng giá giảm rất mạnh theo xu hướng đi xuống của thị trường trong năm 2022. Mặt khác, diễn biến giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng thường bám sát xu hướng của VN-Index. Do đó, nếu VN-Index tiếp tục giữ được mạch hồi phục từ vùng đáy quanh 900 điểm thì nhóm chứng khoán nhiều khả năng sẽ ghi nhận diễn biến giá tích cực trong quý 2 cũng như phần còn lại của năm.
Thứ tư, nhóm cổ phiếu mang tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường thuộc nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,…
Tóm lại, VCBS cho rằng nếu nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỉ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức băng tiền mặt.