Còn nhiều rào cản
Nhận định về bức tranh tín dụng cho thị trường bất động sản hiện nay, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) cho rằng đang hết sức khó khăn.
Cụ thể, trong bối cảnh những kênh huy động vốn truyền thống như tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp có phần bị siết lại thì các kênh hút vốn khác như chứng khoán lại đang phải đối mặt với tình trạng thị trường chứng khoán bị sụt giảm lịch sử.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA thì các doanh nghiệp bất động sản cũng khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “chững lại, trầm lắng”, giao dịch sụt giảm dẫn đến “rủi ro” bị mất thanh khoản là nỗi lo lớn nhất của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp.
Đối với nguồn vốn FDI, theo Chủ tịch HOREA, dù trong 09 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực bất động sản thu hút đến 3,5 tỷ USD, chiếm 19% nguồn vốn FDI nhưng lại chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số tập đoàn bất động sản lớn, còn đa số doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn FDI.
Tổng hợp những yếu tố nói trên, theo HOREA hiện các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Dẫn chứng trường hợp của doanh nghiệp có dự án bất động sản tại TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cho biết từ sau khi Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/04/2022 chỉ đạo “Quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản” thì việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp là rất khó khăn, nhất là trong tình hình hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nỗ lực để kiểm soát lạm phát hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng theo Chủ tịch HOREA thì dù mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại, nhưng theo ước tính của các đơn vị nghiên cứu thì lượng tín dụng được phân bổ thực tế chỉ vào khoảng 175.000 - 200.000 tỷ đồng, như vậy Ngân hàng Nhà nước còn giữ lại chưa phân bổ khoảng 200.000 tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%.
Ngoài ra, một trong những “khúc mắc” của bức trang tín dụng cho thị trường bất động sản hiện nay theo ông Châu là việc Thông tư số 20/2021/TT-NHNN ban hành đầu năm đang quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vaytại Ngân hàng chính sách xã hội.
Điều này vô hình chung đặt ra áp lực lớn đối với dòng chảy tín dụng ưu đãi cho phân khúc nhà ở xã hội vốn đang rất được chú trọng phát triển hiện nay.
Giải pháp cho thị trường
Từ những nhận định về bối cảnh của bức tranh tín dụng cho thị trường bất động sản hiện nay, theo ông Lê Hoàng Châu, về phía Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét và cân nhắc một số giải pháp nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng, gỡ khó cho các doanh nghiệp.
Thứ nhất, theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể xem xét việc nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Thứ hai, đối với thị trường TP.HCM, một trong những thị trường trọng điểm của cả nước, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/04/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Thứ ba, đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem xét, cân nhắc việc sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agrikbank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.