Ngành bao bì đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và các chính sách thương mại tự do.
Theo dự báo của Market Research Future, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa là 3,6%, bao bì giấy là 4,7% trong giai đoạn 2023 - 2030.
Tại Việt Nam, Mordor Intelligence dự báo quy mô thị trường bao bì giấy 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,73% trong giai đoạn dự báo (2024-2029). Thị trường bao bì giấy tại Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong giai đoạn dự báo, với một số công ty dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng trong những năm tới. Tình hình kinh tế ổn định của đất nước và tốc độ đô thị hóa cao dự kiến sẽ thúc đẩy việc sử dụng các định dạng bao bì giấy.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, ngành bao bì đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm. Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành bao bì, trong đó có khoảng 9.200 doanh nghiệp tập trung vào bao bì nhựa. Đây là một lĩnh vực hấp dẫn sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước do tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, thông tin ghi nhận tại VietnamPrintPack 2024.
VietnamPrintPack 2024 là triển lãm hàng năm trong ngành công nghiệp bao bì Việt Nam. Năm nay, quy mô trưng bày ghi nhận tiếp tục tăng lên 19.850m2, với 900 gian hàng, quy tụ hơn 362 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Úc, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm và đồ uống. Các doanh nghiệp cũng đã và đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường toàn cầu bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.
Dù vậy, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM mỗi ngày đang thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế.
Chưa kể, ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những nước nền kinh tế phát triển trên thế giới, đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Người tiêu dùng toàn cầu ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp tuân thủ trách nhiệm môi trường hơn, vật liệu bao bì thân thiện môi trường, dễ phân hủy.
Thực tế, chuyện doanh nghiệp Việt Nam bị mất đơn hàng khi doanh nghiệp nước ngoài tận dụng được lợi thế về tài chính, công nghệ để chiếm lĩnh thị phần đang trở thành phổ biến. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam từng cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm bị mất thị trường EU, chỉ vì bao bì chưa đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao bì đóng gói sản phẩm tốt và có thể nhanh chóng thay thế doanh nghiệp Việt.
Do đó, để hoà nhập được với xu hướng chung của thế giới, ngành bao bì Việt Nam đang có sự chuyển mình vô cùng mạnh mẽ hướng đến phát triển xanh, sản xuất xanh và bền vững. Đó cũng là nội dung được các bên tham luận mạnh mẽ tại VietnamPrintPack 2024.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực triển khai việc sử dụng bao bì tái chế, như Coca Cola với chai làm từ 100% nhựa tái chế, giúp giảm hơn 2.000 tấn nhựa mới mỗi năm tại Việt Nam; hay Unilever Việt Nam đã đạt được 63% bao bì có khả năng tái chế giúp giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh…
Song, với đa số còn lại thì áp lực về tài chính và đáng chú ý là thiếu lực lượng kế thừa, các doanh nghiệp đóng gói bao bì và in ấn ngày càng rút khỏi thị trường, thậm chí có xu thế “bán mình” cho nhà đầu tư ngoại. Khi trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp in ấn bao bì hiện nay, đã có hơn 400 công ty nước ngoài, chiếm hơn 1/3 đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hàng trăm DN khác tiếp tục nghiên cứu thị trường Việt để đổ bộ trong thời gian tới.