Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, khi thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) bắt đầu nhanh chóng gia nhập lực lượng lao động và có những nhu cầu cụ thể hơn đã khiến nhiều công ty phải tiến hành tái cấu trúc chiến lược không gian văn phòng.
Đơn vị này đã khảo sát nhu cầu của người lao động ngày nay để thấy kỳ vọng về cách sử dụng không gian làm việc và tương lai của thị trường văn phòng. Theo đó, 82% nhân viên được khảo sát cho biết công ty họ chưa áp dụng mô hình làm việc kết hợp. Trong khi, số còn lại đã triển khai chính sách làm việc từ xa nhưng tỷ lệ người thực hiện vẫn dưới 25%.
Đa số người lao động tại Việt Nam vẫn cần có một không gian làm việc như văn phòng để có thể làm việc hiệu quả hơn. Văn phòng là nơi giúp nhân viên tiếp cận các thiết bị và công nghệ cần thiết, tương tác với đồng nghiệp, đồng thời giúp nhân viên tăng cường đổi mới và sáng tạo. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng văn phòng là nơi giúp họ cải thiện được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đóng góp vào bản sắc và văn hóa công ty.
Nhân viên cũng mong muốn có được đầy đủ các tiện ích xung quanh văn phòng như cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, bãi đậu xe rộng rãi, dịch vụ chăm trẻ, dịch vụ chăm thú cưng, không gian xanh, vườn cảnh quan ở xung quanh nơi làm việc.
Đặc biệt là văn phòng dễ dàng tiếp cận các khu vực cộng đồng như các nơi diễn ra các sự kiện xã hội, địa điểm giao lưu kết nối và các lớp đào tạo. Một xu hướng mới cũng đang “nở rộ” là làm việc tại những địa điểm thứ ba (third-place) như coworking hay quán café. Những điều này có thể định hình lại bức tranh thị trường văn phòng trong tương lai.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt nam cho rằng, từ năm 2020, đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia triển khai mô hình làm việc tại nhà hoặc kết hợp. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn ở Việt Nam, khảo sát của chúng tôi lại cho thấy nhu cầu nhân viên đến làm việc tại văn phòng cao hơn.
“Tại các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội, lực lượng lao động chủ yếu là nhóm người trẻ tuổi, không gian nhà ở chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thêm phòng làm việc. Bên cạnh đó, những ảnh kích thước bàn ghế không đủ chuẩn để ngồi làm việc trong thời gian dài, các vấn đề về kết nối internet, điện thoại hoặc máy in là những lí do để khẳng định rằng văn phòng vẫn sẽ góp phần quan trọng trong công việc”, bà Trang nhấn mạnh.
Riêng tại Tp.HCM, khu vực trung tâm với hơn 1.6 triệu m2 văn phòng hạng A và B vẫn tiếp tục là địa chỉ ưa thích để doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Một số tập đoàn mới vào Việt Nam cũng đang lựa chọn các không gian làm việc chung, với chi phí ban đầu phải chăng hơn và linh hoạt đáp ứng nhu cầu mở rộng của họ trong tương lai. Khảo sát của Cushman & Wakefield và CoreNet về khách thuê văn phòng cho thấy, đến năm 2029, 20% lực lượng lao động toàn cầu sẽ sử dụng không gian làm việc chung, tăng so với mức 16% hiện tại.
Bà Lương Thị Mỹ Thanh, Tổng giám đốc The Executive Centre Việt Nam, một trong những coworking mới nhất tại Tp.HCM và là nơi tiên phong trong việc thay đổi tính năng một không gian trong từng thời điểm cho biết, đối với không gian làm việc chung như TEC, một không gian làm việc sẽ không còn là chiến lược ngắn hạn nữa mà phải được thiết kế toàn diện để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lâu dài hơn. Sức khỏe người lao động và tính bền vững về mặt thiết kế và trang thiết bị là rất cần thiết. Hơn nữa, không gian làm việc sẽ cần có mảng xanh, được cung cấp tối đa ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt và khả năng kiểm soát nhiệt độ môi trường bên trong tòa nhà.
Theo Cushman & Wakefield, công suất sử dụng văn phòng sẽ không thay đổi hoặc tiếp tục tăng thêm trong ba năm tới. Trong đó, hiệu quả về chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Tiếp theo đó là các yếu tố về phân hạng, thiết kế và đặc điểm kỹ thuật và dịch vụ quản lý của tòa nhà. Yếu tố nổi bật hơn trong khảo sát thuộc về các chỉ tiêu ESG, tòa nhà có thiết kế bền vững.
Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc cấp cao bộ phận kinh doanh tại Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, những bất động sản đạt được chứng chỉ xanh cũng có tác động tích cực cho cả chủ tòa nhà lẫn doanh nghiệp. Trong khi tòa nhà bền vững có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, tích hợp thiết lập năng lượng tái tạo sẽ giảm đáng kể lượng khí thải, tạo ra các cộng đồng thân thiện với môi trường hơn và từ đó đạt được mức giá thuê cao hơn, có tỷ lệ trống thấp hơn so với các tòa nhà không có chứng chỉ xanh.