Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần giao dịch đầy khởi sắc với hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh. Trong số đó, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động gây bất ngờ khi tăng hết biên độ và nằm trong top đóng góp lớn nhất vào VN-Index.
Từ vùng đáy, MWG đã tăng gần 40% thị giá qua đó leo lên mức cao nhất trong 9 tháng kể từ cuối tháng 10 năm ngoái. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 21.300 tỷ đồng sau chưa đầy 2 tháng, lên trên 76.800 tỷ đồng.
Trong quá trình đi lên, “ông lớn” ngành bán lẻ hút tiền khá mạnh, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Đặc biệt trong phiên 21/7, MWG còn khớp lệnh lên đến 11,7 triệu đơn vị, con số kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2014. Giá trị khớp lệnh tương ứng hơn 600 tỷ đồng.
Giai đoạn xấu nhất đã qua
Cổ phiếu MWG đi lên mạnh mẽ trong bối cảnh ngành bán lẻ đang đón nhận nhiều thông tin tích cực thời gian gần đây. Kể từ ngày 1/7/2023, hàng loạt các chính sách đã có hiệu lực, điển hình như việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng,…
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC cho rằng những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý 3 sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách, bên cạnh đó đây cũng là thời điểm mẫu iPhone mới được ra mắt, kỳ vọng sẽ giúp hoạt động mua sắm, bán lẻ ấm dần trở lại.
Trong khi đó, SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động sẽ giảm thêm 50-100 điểm cơ bản vào cuối năm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay dự kiến sẽ phần nào bắt kịp tốc độ cắt giảm lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2023, qua đó giúp giảm bớt áp lực trả lãi vay mua nhà đối với người tiêu dùng. Đồng thời, sự phục hồi trong xuất khẩu (dự kiến vào quý 4/2023) sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng từ cuối năm 2023 đến năm 2024.
Bên cạnh đó, áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lắng xuống trong nửa cuối năm 2023, cùng với đà giảm của lãi suất cho vay cũng như mức tồn kho thấp hơn. Tỷ suất lợi nhuận sẽ mở rộng trong nửa cuối năm 2023 nhờ cạnh tranh về giá cả bớt khốc liệt hơn và chi phí lãi vay thấp hơn.
Ngoài ra, MWG còn là công ty sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự hồi phục trong hoạt động giải ngân của các công ty tài chính tiêu dùng. Theo MWG, 30-40% doanh thu mảng ICT&CE đến từ mua hàng trả góp. Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra khá chậm do các ngân hàng vẫn ngại cho vay để giảm thiểu nợ xấu trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Nhưng quá trình phục hồi còn kéo dài
Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng MWG vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và quá trình hồi phục có thể sẽ kéo dài. Theo SSI Research, doanh thu của mảng ICT & CE của MWG vẫn có thể tiếp tục giảm trong quý 2 và 3, sau đó sẽ tăng dần từ quý 4/2023 đến hết năm 2024. Tỷ suất lợi nhuận của mảng này dự kiến sẽ cải thiện từ quý 3/2023 do cạnh tranh về giá bớt khốc liệt hơn và mức tồn kho thấp hơn.
Bên cạnh đó, MWG đặt mục tiêu Bách Hoá Xanh sẽ có lãi vào năm 2023 nhưng SSI Research cho rằng khó đạt được mục tiêu này trong bối cảnh người tiêu dùng có thể thích mua sắm ở chợ truyền thống hơn khi thu nhập bị giảm. Tuy nhiên, Bộ phần phân tích này cũng cho rằng mục tiêu tăng SKU hàng tươi sống là hướng đi đúng đắn cần theo đuổi để đạt điểm hòa vốn.
Đồng quan điểm, BVSC cho rằng kết quả kinh doanh các quý còn lại của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ sẽ cải thiện so với quý 1 nhưng tiếp tục yếu hơn so với cùng kỳ. Theo dự phóng của CTCK này, lợi nhuận ròng năm 2023 của MWG có thể giảm 70% so với năm ngoái, xuống còn 1.231 tỷ đồng.
Tương tự, VCBS cho rằng MWG sẽ cần thêm thời gian để chứng minh được hiệu quả của chiến lược kinh doanh mới cũng như khả năng đưa chuỗi Bách Hóa Xanh đến điểm hòa vốn trong 2024. Tuy nhiên, VCBS cũng nhận định những gì xấu nhất về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã được phản ánh trong quý đầu năm.