Vào năm 1987, Công ty sản xuất hàng điện tử hàng đầu Nhật Bản - Panasonic đã mạo hiểm đầu tư vào Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Nhật Bản, là một cường quốc sản xuất toàn cầu trong khi nền kinh tế Trung Quốc không lớn hơn Canada. Vì vậy, khi Panasonic liên doanh với một công ty Trung Quốc để sản xuất ở Bắc Kinh, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, Trung Quốc giờ được biết đến là trụ cột của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng trị giá hàng nghìn tỷ USD. Vào năm 2021, xuất khẩu hàng hóa và linh kiện điện tử của quốc gia này lên tới 1 nghìn tỷ USD trên tổng số 3,3 nghìn tỷ USD toàn cầu.
Tuy nhiên, giữa áp lực thương mại, ngày càng nhiều các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn phải xem xét lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc nếu muốn phát triển. Chi phí cho lao động Trung Quốc không còn rẻ, từ năm 2013 đến năm 2022, tiền lương trong lĩnh vực sản xuất đã tăng gấp đôi, lên mức trung bình 8,27 USD/giờ.
Theo Teikoku Databank - một công ty nghiên cứu của Nhật Bản, từ năm 2020 đến năm 2022, số lượng công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc đã giảm từ khoảng 13.600 xuống còn 12.700. Vào ngày 29/1, có thông tin cho rằng Sony có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy ảnh từ Trung Quốc sang Thái Lan. Tương tự, Samsung đã cắt giảm hơn 2/3 lực lượng lao động Trung Quốc kể từ mức cao nhất vào năm 2013. Bên cạnh đó, nhà sản xuất máy tính của Mỹ - Dell đang đặt mục tiêu ngừng sử dụng chip do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024.
Câu hỏi dành cho Dell, Samsung, Sony là công ty sẽ lựa chọn khu vực sản xuất thay thế ở đâu? Bởi lẽ, không một quốc gia đơn lẻ nào cung cấp cơ sở sản xuất rộng lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, khi một loạt các nền kinh tế trên khắp châu Á kết hợp với nhau thì sẽ trở thành một giải pháp thay thế đáng gờm. Nhóm các nền kinh tế Altasia này trải dài từ Hokkaido (Nhật Bản), qua Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh, đến tận Gujarat (Ấn Độ). Mỗi nền kinh tế sẽ có những thế mạnh khác biệt. Trên lý thuyết, đây là cơ hội cho sự phân công lao động hữu ích, trong đó một số quốc gia sản xuất các bộ phận phức tạp trong khi những quốc gia khác lắp ráp chúng thành các thiết bị hoàn chỉnh.
The Economist đánh giá, nếu xét theo một số khía cạnh, các nền kinh tế Altasia có vẻ tương đương, thậm chí nhỉnh hơn Trung Quốc. Ví dụ, Altasia là nơi sinh sống của 154 triệu người trong độ tuổi từ 25 đến 54 có trình độ học vấn đại học, trong khi đó con số này ở Trung Quốc là 145 triệu người.
Bên cạnh đó, tiền lương tại một số nơi ở Altasia thấp hơn đáng kể so với ở Trung Quốc. Cụ thể, tiền công sản xuất theo giờ ở Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dưới 3 USD, bằng khoảng 1/3 mức lương mà công nhân Trung Quốc hiện nay, và khu vực này đã trở thành cường quốc xuất khẩu. Theo đó, tính đến tháng 9/2022 , giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của nhóm các quốc gia này đạt 634 tỷ USD, vượt xa con số 614 tỷ USD của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Altasia ngày càng trở nên hội nhập kinh tế hơn. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP, bao gồm cả Trung Quốc) đã nới lỏng các rào cản pháp lý đối với chuỗi cung ứng phức tạp chạy qua nhiều quốc gia, tạo ra một thị trường cho các sản phẩm trung gian. Hầu hết các nước Altasian đều là thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ), bao gồm cả Canada, Mexico và một số quốc gia Nam Mỹ.
Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm Altasia, Nhật Bản được xem là một mô hình phát triển cho các nền kinh tế còn lại. Gần đây, Hàn Quốc cũng đang dần trở thành một hình mẫu phát triển khác bên cạnh Nhật Bản. Vào năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Hàn Quốc vào Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Bangladesh đạt 96 tỷ USD. Trong đó, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc - Hyundai đã mở nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên tại Indonesia
Không chỉ Hàn Quốc và Nhật Bản, giờ đây, nhiều công ty khác cũng đang để mắt đến khu vực này. Ví dụ, những công ty lắp ráp thiết bị cho Apple như Foxconn, Pegatron và Wistron của Đài Loan (Trung Quốc) cùng những công ty khác đang đầu tư mạnh vào các nhà máy ở Ấn Độ. Dự kiến, tỷ lệ iPhone sản xuất tại Ấn Độ sẽ tăng từ khoảng 1/20 vào năm 2022 lên 1/4 vào năm 2025. Ngoài ra, Google đang chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh Pixel mới nhất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Không chỉ vậy, Qualcomm, nhà sản xuất chip đến từ Mỹ đã mở trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2020. Doanh thu của Qualcomm từ các nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2020 - 2022.
Theo The Economist, Trung Quốc có lợi thế là một thị trường chung rộng lớn, với cơ sở hạ tầng tốt, lượng công nhân và vốn lớn. Do đó, để Altasia thực sự có thể cạnh tranh với Trung Quốc, chuỗi cung ứng của Altasia sẽ cần phải trở nên tích hợp và hiệu quả hơn rất nhiều.
"Altasia chắc chắn sẽ không thay thế Trung Quốc trong một sớm một chiều. Nhưng theo thời gian, Trung Quốc có thể sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất nước ngoài và với tư cách là một giải pháp thay thế cho Trung Quốc, Altasia 'không có đối thủ ngang bằng'", The Economist cho hay.
Nguồn: The Economist