Thấy gì từ quá trình cổ phần hóa của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - doanh nghiệp lớn thứ 4 Việt Nam

Lê Sáng | 15:41 27/11/2023

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vừa được công bố. Trước đó, vào tháng 7/2023, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận liên quan đến quá trình cổ phần hóa của BSR.

Thấy gì từ quá trình cổ phần hóa của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - doanh nghiệp lớn thứ 4 Việt Nam
Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc BSR. Ảnh: BSR

BSR - Doanh nghiệp lớn thứ 4 Việt Nam

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố bảng xếp hạng "VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023".

BSR đứng thứ 4 sau Samsung Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Từ vị trí thứ 5 đến thứ 10 là các doanh nghiệp: Viettel, Agribank, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, BIDV, Tập đoàn Vingroup.

abc-jpg-1170-1700642799.png
BSR xếp thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Theo giới thiệu, sau 14 năm đi vào hoạt động (từ tháng 2/2009), Công ty BSR sản xuất 89,2 triệu tấn sản phẩm. Tổng doanh thu hơn 1,53 triệu tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 216.000 tỷ đồng. Ước thực hiện hết tháng 11/2023, công ty sẽ sản xuất khoảng 6,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 131% kế hoạch năm. Tổng doanh thu ước đạt 133.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 15.163 tỷ đồng.

BSR không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa

Ngày 7/7/2023, Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã ban hành Kết luận Thanh tra số 1538/KL-TTCP về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương.

Theo đó, kết quả kiểm tra, xác minh một số nội dung về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TTCP đã có một số kết luận đối với công tác này tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa trở thành BSR).

Theo TTCP, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thực hiện CPH theo Quyết định số 2665/QĐ-DKVN ngày 06/11/2015 của Hội đồng thành viên PVN, Liên danh BSC - UHY ACA thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Trên cơ sở kết quả và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (xác định giá trị thực tế doanh nghiệp tăng so với tư vấn là hơn 5.359 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tăng hơn 4.586 tỷ đồng), Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1938/QĐ-BCT ngày 31/5/2017 phê duyệt giá trị doanh nghiệp BSR để CPH thời điểm 31/12/2015 là hơn 72.879 tỷ đồng, trong đó, giá trị phần vốn nhà nước là hơn 44.934 tỷ đồng.

Phương án CPH BSR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 08/12/2017; theo đó, vốn điều lệ của BSR là hơn 31.004 tỷ đồng, PVN nắm giữ 1.333.214.835 cổ phần (chiếm 43% vốn điều lệ), bán đấu giá công khai 241.556.969 cổ phần (chiếm 7,79% vốn điều lệ), bán cho nhà đầu tư chiến lược 1.519.244.812 cổ phần (chiếm 49,00% vốn điều lệ).

Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được, cơ cấu vốn điều lệ của BSR được điều chỉnh.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là hơn 31.004 tỷ đồng, PVN nắm giữ 2.856.380.247 cổ phần (chiếm 92,12% vốn điều lệ), bán đấu giá công khai qua sàn chứng khoán HSX là 241.427.969 cổ phần (chiếm 7,7'9% vốn điều lệ), bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 2.691.400 cổ phần (chiếm 0,09% vốn điều lệ). BSR chính thức chuyển hoạt động sang CTCP từ ngày 01/7/2018.

Trích sai hơn 381 tỷ đồng tiền quỹ khoa học công nghệ

Về việc trích lập Quỹ khoa học công nghệ (KHCN) của BSR trong giai đoạn chuẩn bị cổ phần hóa từ 2014-2017, TTCP kết luận.

Năm 2014, BSR không trích Quỹ KHCN do trong năm không có lợi nhuận; số chi quỹ trong năm 2014 là hơn 4,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ KHCN trích năm 2010.

Năm 2015, BSR trích với tỷ lệ tối đa 10% theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 9/02/2011 của Bộ Tài chính. Số tiền trích tương ứng là 640 tỷ đồng; số chi Quỹ KHCN trong năm là hơn 5,8 tỷ đồng, bằng 0,9% trên số tiền trích Quỹ.

Năm 2016, BSR trích tối đa với mức 10% theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư Liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Tài chính (khung quy định từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp), số tiền trích tương ứng là 545 tỷ đồng. Số chi Quỹ KHCN trong năm là hơn 1,7 tỷ đồng, bằng 0,31% trên số tiền trích Quỹ.

Năm 2017, BSR trích tối thiểu với mức 3% tương ứng với số tiền là hơn 256 tỷ đồng; chi Quỹ KHCN trong năm là hơn 13,5 tỷ đồng, bằng 5,28% số tiền trích Quỹ.

Theo TTCP, tổng số Quỹ KHCN BSR trích từ năm 2015 đến 2017 là hơn 1.441 tỷ đồng, trong khi số chi sử dụng Quỹ chỉ là hơn 21 tỷ đồng, bằng 1,46% số tiền đã trích (chiếm tỷ lệ 0,1% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp); số dư Quỹ KHCN chuyển sang đầu kỳ năm 2018 là hơn 1.428 tỷ đồng (gồm cả dư quỹ từ trước 2014).

Từ đó, TTCP kết luận, theo các quy định liên quan, năm 2016, BSR chỉ được trích Quỹ KHCN mức 3% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng số tiên là khoảng 163 tỷ đồng, nhưng BSR đã trích mức tối đa (10%) với số tiền là 545 tỷ đồng, vượt quy định hơn 381 tỷ đồng khiến lợi nhuận doanh nghiệp trước thuế năm 2016 của BSR giảm tương ứng là 381 tỷ đồng.

TTCP xác định BSR có trách nhiệm quyết toán nộp về PVN để PVN quyết toán nộp ngân sách nhà nước số tiền tạm tính là 362,3 tỷ đồng, BSR kê khai nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 số tiền tạm tính là hơn 19 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo TTCP, nếu số tiền trích lập quỹ BSR sử dụng không hết 70% trong thời hạn 5 năm kể từ năm trích lập, BSR có trách nhiệm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý theo đúng quy định.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Thấy gì từ quá trình cổ phần hóa của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - doanh nghiệp lớn thứ 4 Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO