Thấy gì từ khoản đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam của “đại gia” bán lẻ Thái Lan ?

Trọng Trần | 15:48 21/02/2023

Tuy không phải nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nhưng trong một số lĩnh vực, Thái Lan lại có cách để nắm thị phần chi phối. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào 1992, dòng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam đã liên tục tăng qua các năm, mỗi năm tăng bình quân 13%.

Thấy gì từ khoản đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam của “đại gia” bán lẻ Thái Lan ?

Thái Lan là nước đứng thứ hai Đông Nam Á về GDP - chỉ sau Indonesia, đạt trên 500 tỷ USD năm 2021. Trong mối tương quan với Việt Nam, Thái Lan vượt xa về quy mô nền kinh tế cũng như thu nhập bình quân đầu người. 

Theo dữ liệu của Dealgonic, các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) ở khu vực Đông Nam Á được dẫn dắt bởi các công ty đến từ các nền kinh tế tiên tiến hơn. Trong đó, người mua từ Thái Lan chiếm 38% giá trị các giao dịch trong giai đoạn 2010-2019, tiếp theo là Singapore với 32% và Malaysia với 23%. 

Riêng trong năm 2019, các thương vụ M&A của các doanh nghiệp Thái Lan đã tăng mạnh, với tổng giá trị thương vụ đạt 6,4 tỷ USD, chiếm 67% tổng giá trị M&A của khu vực Đông Nam Á. 

Báo cáo của Dealgonic cho biết, trong khi doanh nghiệp Thái Lan dẫn đầu số thương vụ M&A trong khu vực, Việt Nam và Indonesia lại lần lượt là lựa chọn hàng đầu cho các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp. Theo đó, thu hút đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam đã tăng lên hơn kể từ giữa những năm 2010 với tốc độ tăng trưởng nhanh và thị trường nội địa rộng lớn. 

So với các doanh nghiệp từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, các tập đoàn Thái Lan được đánh giá có một số ưu thế hơn do vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa. Các doanh nghiệp này khi đã đầu tư thường nắm quyền chi phối nhằm định hướng lại hoạt động kinh doanh và tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, hoặc những doanh nghiệp có lợi thế. 

Trao đổi với Nikkei Asia, bà Pavida Pananond, Phó giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat ở Bangkok lý giải, việc các doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh các thương vụ M&A trong khu vực Đông Nam Á bởi khi nền kinh tế Thái Lan phát triển hơn, đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng sẽ có xu hướng chậm hơn. 

“Chính sách thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn của chính phủ có thể đẩy nhanh kế hoạch rót vốn ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan”, bà Pavida Pananond cho hay. 

Theo dữ liệu về đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và đầu tư, luỹ kế các dự án còn hiệu lực tính đến tháng 1/2023, Thái Lan là quốc gia có tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore), xếp thứ 9 trên tổng số 142 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 685 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13,1 tỷ USD.

Tính riêng trong năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đạt 198 triệu USD, đứng thứ 13 trên tổng số 108 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore). Trong đó, có 37 dự án cấp mới, với vốn đăng ký cấp mới đạt 110 triệu USD; 16 dự án điều chỉnh với lượng vốn điều chỉnh ước tính khoảng 72,62 triệu USD và 50 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần, với giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 161 triệu USD. 

Trong suốt khoảng thời gian đầu tư vào Việt Nam, các tập đoàn Thái Lan ngày càng khẳng định vị trí của mình tại thị trường Việt Nam, thông qua những thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp Việt lớn trong lĩnh vực tiêu dùng, năng lượng, bao bì, nông nghiệp... 

Đặc biệt, khi nhắc đến Thái Lan, không thể nào không nói đến lĩnh vực thế mạnh là bán lẻ với 2 cái tên nổi bật nhất Central Group và TCC Group, hiện đang nắm giữ những chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất thị trường. 

Cụ thể, mới đây nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation (CRC) công bố khoản khoản đầu lớn nhất vào Việt Nam, với tổng trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 - 2027 để tăng tốc hiện diện tại thị trường Việt Nam. 

Trước đó, vào năm 2016, vượt qua nhiều đối thủ lớn như Saigon Co.op, TCC Group, Central Group thành công mua lại chuỗi BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) với giá trị thương vụ hơn 1 tỷ USD. Đây cũng là một trong những thương vụ M&A có giá trị cao nhất mà các tập đoàn Thái Lan thực hiện. 

Trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, để lại dấu ấn nhất là vào cuối năm 2017, doanh nghiệp ThaiBev của Thái Lan đã chi 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Qua đó, người Thái gián tiếp chi phối hơn 1/3 thị trường bia Việt Nam. 

Trong lĩnh vực chế biến chế tạo, ngành nhựa Việt Nam mới đây đã chứng kiến sự xáo trộn khi đơn vị đứng đầu ngành bao bì PET Việt Nam – công ty Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) đã về tay Indorama Ventures, tập đoàn đa ngành của Thái Lan. Trước đó The Siam Cement Group - một ông lớn Thái Lan khác cũng đã thâu tóm Nhựa Duy Tân, Bao Bì Biên Hòa…


(0) Bình luận
Thấy gì từ khoản đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam của “đại gia” bán lẻ Thái Lan ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO