Thanh niên 2k dồn tiền tiết kiệm, vay nợ thêm để có 700 triệu mở quán ăn: Thua lỗ sau 5 tháng vì 2 lý do rất nhiều người bỏ qua

Vân Anh - Design: Thành Đạt | 18:38 29/03/2024

Hành trình khởi nghiệp không chỉ toàn màu hồng với chàng trai này.

Thanh niên 2k dồn tiền tiết kiệm, vay nợ thêm để có 700 triệu mở quán ăn: Thua lỗ sau 5 tháng vì 2 lý do rất nhiều người bỏ qua

“Phi thương bất phú” - Có không ít người tham vọng mở mô hình kinh doanh riêng, tự lập nên con đường làm giàu của riêng mình. Tuy nhiên, bên cạnh những người hốt bạc, có nhiều bạn trẻ vẫn đang “mất cả chì lẫn chài”, tìm đường xoay xở để gồng gánh “đứa con” của mình.

“Lần đầu tiên mở quán ăn, nên tất nhiên mình không tránh khỏi gặp nhiều sai sót. Và mọi thứ đều trả giá bằng tiền”, đó là những chia sẻ của Quốc Sỹ (freelancer, 23 tuổi) xoay quanh câu chuyện về quê Bình Định khởi nghiệp mở quán ăn.

Chỉ trong vòng nửa năm, vợ chồng anh chàng đã chi ít nhất 700 triệu đồng cho quán nhưng hiện tại vẫn đang gồng lỗ. Với sự đầu tư mạnh tay nhưng vẫn lỗ vốn này, Quốc Sỹ đã học hỏi được những gì?

e8b51578-8235-4d10-abf1-04d5db94c48a.jpeg
Quốc Sỹ 

Đầu tư hơn 700 triệu đồng mở quán ăn và cái kết

Bây giờ đi đến đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp một quán ăn, hàng nước từ quy mô vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Thậm chí khi nói đến khởi nghiệp, lĩnh vực F&B cũng là lựa chọn ưu tiên của các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi một mô hình nào đó phất lên, người người nhà nhà đổ xô kinh doanh để mong muốn kiếm lời thì bạn cần tạo nên lợi thế khác biệt về cả sản phẩm và dịch vụ, nếu không muốn ngậm ngùi gặp thất bại.

Nói về lý do lựa chọn con đường mở quán ăn, Quốc Sỹ cho hay: “Đầu tiên là vì sở thích cá nhân. Mình thích ăn uống nên một phần muốn mở cửa hàng để thích ăn gì trong quán cũng có sẵn (cười).

Tất nhiên, quan trọng hơn cả là vì hướng kinh doanh. Mình nghĩ ăn uống là một phần không thể thiếu đối với mỗi người trong cuộc sống. Có thể mặc xấu cũng được, nhưng đói thì phải ăn rồi. Trong thời buổi hiện nay, khi cái gì cũng bán online được thì quán ăn vẫn tạo được lợi thế theo mô hình truyền thống, nên một cửa hàng như của mình sẽ không bị lỗi thời."

Mô hình của quán ăn là kinh doanh cơm quê, bún đậu mắm tôm và lẩu. Anh chàng bắt đầu khai trương quán vào đầu tháng 11/2023 với quy mô rộng rãi 400m2. Để chuẩn bị cho lần khai trương này, Quốc Sỹ đã dành 700 triệu đồng. Đây là số tiền mà vợ chồng anh chàng tích lũy sau đám cưới (300 triệu đồng), kết hợp vay mượn từ họ hàng (200 triệu đồng) và tiền nợ công hàng hóa và mua trả góp nhiều mặt hàng (200 triệu đồng).

68b7682f073aa864f12b.jpg
1869af44-9223-4754-a2d7-71c82159889f.jpeg
Đồ ăn trong quán 

Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tuy nhiên sau vài tháng hoạt động, quán ăn vẫn chưa thấy lãi. Hàng tháng, vợ chồng anh chàng tốn khoảng 50 triệu đồng cho chi phí duy trì hoạt động của quán ăn, kết hợp 1-3 triệu đồng cho tiền làm Marketing. Sau gần 5 tháng, họ vẫn phải gồng lỗ 20 - 30 triệu đồng/tháng, trong khi lượng khách hàng ngày càng sụt giảm.

Sai lầm trong lần đầu làm chủ

Có thể thấy, việc mở quán ăn với chàng trai 23 tuổi quả thực không dễ dàng. Con đường khởi nghiệp không chỉ toàn màu hồng, và đi rồi thì anh chàng mới nhận lại được những bài học làm giàu đắt giá trả bằng tiền.

Thời gian đầu, quán ăn của Quốc Sỹ cũng được nhiều người dân xung quanh ghé thăm và ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, sau này lượng khách hàng không chỉ sụt giảm mà họ còn có những ấn tượng không tốt với quán ăn về cả chất lượng và dịch vụ. Nguyên nhân thất bại gói gọn trong những sai lầm về chọn địa điểm bán, cách quản trị nhân sự và vận hành kinh doanh của ông chủ trong lần đầu tiên khởi nghiệp.

- Thứ nhất, quán chọn sai mặt bằng

Quốc Sỹ mở quán nằm trong hẻm sâu nên gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới. Anh chàng cũng chủ động làm Marketing online thông qua các hội nhóm, bài đăng trên MXH. Nhưng ở vùng quê, hoạt động này không mang về nhiều hiệu quả.

“Quán mình lớn, chi phí duy trì cao trong khi khả năng tiếp cận khách hàng cực thấp đã tạo thành trở ngại khi mình muốn thay đổi bất cứ điều gì”, Quốc Sỹ ngậm ngùi.

Bên cạnh đó, do quán ăn mở đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn nên chịu ảnh hưởng khá lớn do người dân thắt chặt chi tiêu. Khách hàng chọn ăn nhà hơn đến nhà hàng nên lượng khách có sự sụt giảm đáng kể.

deab168a-94bf-4f62-b2e3-b9ec947e64fd.jpeg
Không gian bên trong quán

- Thứ hai, non nớt trong quản lý con người

Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những ngày đầu mở quán, chàng trai chưa có hướng dẫn và quy trình tuyển dụng, làm việc với nhân viên. Điều này dẫn đến nhân sự làm việc theo cảm tính, tinh thần uể oải ảnh hưởng tới cả khách hàng. Ngoài ra về phía đầu bếp, anh chàng ủy toàn quyền cho họ vì không có nhiều kinh nghiệm nấu nướng. Cũng vì thế, những nhân viên này tự ý làm điều họ muốn, nên chất lượng món ăn cứ thế lao dốc.

“Lúc đầu quán mình buôn bán rất đông, nhưng bản thân còn non nớt trong khâu quản lý và quản trị con người nên chất lượng dịch vụ đi xuống, không đồng đều. Với mình, một khi khách đã có những trải nghiệm không tốt thì việc cải tạo lại mô hình hay chuyển hướng kinh doanh để quán đi lên cũng gặp nhiều khó khăn.

Đến giờ, mình vẫn tiếc vì bản thân mắc quá nhiều sai lầm trước đó, khiến khách mất niềm tin. Tới độ nhiều người nghe đến tên quán mình đã vội gạt qua một bên luôn”.

Sau trải nghiệm đã qua, Quốc Sỹ cho rằng bài toán lớn nhất với hội làm chủ như anh là làm sao quản lý được con người và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bạn phải có một quy trình rõ ràng trong cách vận hành thì sẽ mang đến tính ổn định cho nhà hàng, cũng như khách hàng thấy yên tâm hơn khi lựa chọn quán mình. Thêm nữa, anh hiểu rằng một khi đã đánh mất niềm tin từ khách hàng thì mọi thứ sẽ khó lấy lại được.

Chia sẻ về dự định thay đổi trong tương lai, chàng trai ngậm ngùi cho hay: “Hiện tại, mình cũng chưa có định hướng gì. Mình chỉ cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn và cần thời gian để khách hàng truyền miệng, đánh giá tốt lại về quán ăn”.

Cụ thể anh chàng muốn thay đổi quán trong 2 khía cạnh chính:

- Quản lý nghiêm nhân viên

Những lúc vắng khách, Quốc Sỹ sẽ cho các bạn làm vệ sinh quán sạch sẽ và training thêm một số thao tác để hoạt động chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, nhân viên sẽ có những quy trình làm việc rõ ràng và có thưởng phạt. Bộ quy định này sẽ được Quốc Sỹ thực hiện nghiêm túc hơn và có sự thống nhất giữa chàng trai và nhân viên ngay từ đầu.

- Nâng cao chất lượng món ăn

Quốc Sỹ cho biết: “Về món ăn, mình đã lưu ý cần trang trí bắt mắt để thu hút thêm khách hàng. Bên cạnh đó, mình đang thử bán món ăn giá rẻ hơn để mọi người thoải mái túi tiền. Chẳng hạn, bình thường quán bán 35k đồng/món thì giờ đã có món 17 - 20k đồng để mọi người dễ dàng sử dịch dịch vụ bên mình hơn. 

Ngoài ra, món ăn trong quán phải được làm theo đúng quy trình và có công thức thống nhất. Tuy nhiên, bất lợi của mình là đang thuê đầu bếp bên ngoài, nên vẫn còn phụ thuộc vào họ và nếu đổi đầu bếp thì công thức sẽ bị thay đổi và ảnh hưởng ngay đến khách hàng”.

Dù vẫn đang không ngừng nỗ lực để cứu vớt kinh doanh, tuy nhiên Quốc Sỹ cũng đã nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất khi phải tự tay đóng cửa quán ăn của mình. Anh chàng chia sẻ: “Hiện tại, tài chính của vợ chồng mình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Vì khoản nợ không phải vay ngoài quá nhiều mà chủ yếu là từ người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, mình nghĩ sẽ có 1 thời điểm bản thân không còn tiếp tục kinh doanh nữa, chắc là gần thôi (cười). Tuy nhiên lúc đó mình sẽ ngồi lại xem lại hành trình đã đi qua, rồi chuẩn bị thật kỹ trước khi bắt đầu một dự định mới  và hạn chế mắc phải sai lầm trải qua”.

Ảnh: NVCC


(0) Bình luận
Thanh niên 2k dồn tiền tiết kiệm, vay nợ thêm để có 700 triệu mở quán ăn: Thua lỗ sau 5 tháng vì 2 lý do rất nhiều người bỏ qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO