Tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, trợ lý Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ - Tiến sĩ Trần Hữu Đức đã có bào phát biểu nhằm kiến tạo lối sống tỉnh thức, hiến kế đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới.
Theo đó, để xây dựng thành phố chủ đề cho Buôn Ma Thuột, thành phố cần xây dựng thiết kế, vận hành từng bước đạt được tới cấp độ của khác biệt, đặc biệt và duy nhất. Trong đó:
Tính khác biệt: Buôn Ma Thuột là cộng đồng có tới 49 dân tộc anh em, có những đặc trưng văn hoá dân gian đa dạng phong phú nhưng đều có điểm chung là cà phê.
Tính đặc biệt: Với định hướng trở thành nơi hội tụ của các nền văn minh cà phê, trong đó tiêu biểu là nền văn minh của Ottoman, Roman và góc độ triết lý phương đông Việt Nam, Buôn Ma Thuột mong muốn được đóng góp nền văn minh thiền cà phê, hướng tới cộng đồng có lối sống tỉnh thức
Tính duy nhất: Thành phố hiện đã có một số lợi thế cho cà phê vật lý. Tuy nhiên, với Trung Nguyên Legend, cần phát triển thêm cà phê tinh thần, cà phê xã hội.
"Cà phê vật lý, chúng ta đã biết nhưng tiềm năng của cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, chúng ta cần thấy được nội hàm của cà phê tinh thần, cà phê xã hội. Đó là tư tưởng, tinh thần cà phê có tính bao quát, bao trùm, là nguồn cảm hứng và câu chuyện cho cà phê thế giới, dẫn dắt nhân loại tiếp tục phát triển hài hoà, bền vững.
Cà phê là thức uống phổ biến chỉ sau nước. Cà phê đi xuyên ngôn ngữ, tôn giáo, không phân biệt giàu nghèo. Nếu trà hướng tới người giá, thái âm; trà sữa hướng tới người trẻ; rượu đi tới thái dương nhưng cà phê là chủ đạo, đánh thức sự tỉnh thức, đánh thức sáng tạo", ông Trần Hữu Đức chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho rằng, để nâng tầm cà phê triết đạo, cần sự tổng hoà của năm trụ cột: Chính sách công, cơ sở hạ tầng, nhân lực, tài chính và công nghệ. Những thành tố này liên hoàn, kết nối, liên thông với nhau, không tách rời nhau. Do đó, rất cần trung ương, chính quyền địa phương tạo ra những nền tảng đột phá cho thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng cũng như tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên và các nền cà phê, ngành liên quan nói chung.
Trước đó, ngay từ năm 2012, trong một hội nghị World Economic Forum, đích thân nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT - Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa ra bảy sáng kiến cho nền cà phê thế giới, qua đó không chỉ mang lại cho nền cà phê Việt Nam 10 tỷ USD, mà là 20 tỷ USD.
Bảy sáng kiến bắt đầu từ việc tư duy lại khái niệm cà phê, không chỉ là cà phê nhân, vật lý mà còn cà phê tinh thần, cà phê xã hội.
Thứ hai, tìm ra tầm nhìn về một cộng đồng cà phê toàn cầu.
Thứ ba, đa dạng hoá phong cách, chuẩn mức, văn hoá thưởng lãm cà phê.
Thứ tư, tuần hoàn hoá một cách tổng thể, tích hợp chuỗi sản xuất cà phê.
Thứ năm, công bằng hoá trong việc trao đổi chuỗi giá trị.
Thứ sáu, góp phần hình thành trong chế độ bản vị nông sản trong hệ thống toàn cầu, trong đó cà phê là ứng viên sáng giá nhất trong hệ thống bản vị tương lai của loài người.
Thứ bảy, cùng nhau tạo dựng những điều kiện hình mẫu, chuyển thành phố Buôn Ma Thuột thành thành phố cà phê toàn cầu.
Với Trung Nguyên Legend, bản thân Tập đoàn này đang thực hiện ba nhiệm vụ chiến lược.
"Trước tiến biến cà phê thành khác biệt, đặc biệt và duy nhất. Chúng tôi đang định vị cà phê Trung Nguyên Legend là cà phê tỉnh thức, chuyên cho trí não, sáng tạo. Thứ hai, đồng hành cùng tỉnh nhà để biến nơi đây thành nơi hội tụ tinh hoa của 3 nền văn minh cà phê. Trung nguyên đầu tư một vườn Gen, vườn thiền cà phê và đang dần lan toả trong cộng đồng lối sống tỉnh thức thông qua thiền cà phê", trợ lý của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Những chiến lược này được hiện thực hoá bằng năm nhóm hành động cốt yếu:
- - Cùng UBND tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột trong tiến trình đề xuất cà phê sữa đá, cà phê phin của Việt Nam cũng như một số vùng trồng cà phê BMT thành di sản cà phê được UNESCO công nhận;
- - Cam kết đồng hành đưa các sự kiện cà phê quốc tế về với Buôn Ma Thuột;
- - Đóng góp ý tưởng, cách thức thực thi mạng xã hội cà phê toàn cầu;
- - Cùng địa phương xây dựng bảo tàng thế giới cà phê là vùng lõi của trung tâm, sau đó phát triển các bảo tàng vệ tinh xung quanh;
- - Hiện thực hoá các hợp đồng truyền thông quảng bá trực tiếp cà phê của Buôn Ma Thuột.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án trong hệ sinh thái của Trung Nguyên Legend tại Đắk Lắk đã đi vào hoạt động. Nổi bật và thu hút khách du lịch bậc nhất là Bảo tàng Thế giới cà phê, chính thức mở cửa từ tháng 11/2018.
Bảo tàng này nằm trong dự án bất động sản đầu tiên của Trung Nguyên Legend tại thành phố Buôn Ma Thuột. Dự án bất động án có quy mô 45,45 ha, cũng được khởi công từ tháng 1/2017.
Ngoài ra còn có các dự án khác gồm Dự án cụm thác Dray Nur – Dray Sáp thượng, Trung Nguyên Coffee Resort, Làng cà phê.