Tham vọng cấy chip vào não người của Elon Musk gặp trở ngại

Băng Băng | 10:38 03/03/2023

Elon Musk có tham vọng tạo nên một smartphone trong não người, cung ứng dịch vụ công nghệ có tốc độ ngang tốc độ tư duy của cơ thể.

Tham vọng cấy chip vào não người của Elon Musk gặp trở ngại

Câu chuyện về việc con người có thể sử dụng giao diện kết nối máy tính thông qua não bộ (BCI), cụ thể là ra lệnh cho máy tính thông qua một con chip nhỏ gắn vào sọ là một ý tưởng khá điên rồ nhưng thú vị.

Chính vì ý tưởng này mà năm 2017, tỷ phú Elon Musk đã làm chấn động giới truyền thông khi tuyên bố startup Neuralink của ông sẽ phát triển thành công một sản phẩm BCI hoàn thiện bán ra thị trường trong vòng 4 năm tới. Theo lời quảng cáo, sản phẩm này không chỉ ra lệnh được cho máy tính mà còn chữa được một số tổn thương của não bộ.

Ngày 16/7/2019, Elon Musk tự hào tổ chức lễ ra mắt chính thức Neuralink với công chúng và cam kết những cuộc thử nghiệm trên cơ thể người sẽ bắt đầu vào năm 2020.

Thế nhưng đã 3 năm trôi qua và lời cam kết của tỷ phú nhà Tesla vẫn chưa thành hiện thực. Vào ngày 30/11/2022, Elon Musk một lần nữa cam kết Neuralink sẽ thông qua cấp phép để thử nghiệm trên cơ thể người vào năm nay.

Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.

Hãng tin Reuters cho biết mới đây Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) do lo ngại vấn đề an toàn mà đã bác bỏ đơn xin thử nghiệm trên cơ thể người của Neuralink.

Cụ thể, phía FDA nghi vấn khả năng cấy ghép cũng như tháo bỏ thiết bị BCI của Neuralink mà không làm tổn thương não bộ. Đồng thời, việc công ty này dùng pin Lithium dễ bắt lửa cũng là một yếu tố gây nguy hiểm cho người tham gia thí nghiệm.

Thêm nữa, FDA cũng cảnh báo về rủi ro mạng lưới mà Neuralink dùng để truyền tín hiệu từ não đến máy tính có thể gây tác dụng phụ ngoài ý muốn đến cử động hoặc cảm xúc của cơ thể người.

Dẫu vậy theo Reuters, đây chưa phải là dấu chấm hết cho Elon Musk khi FDA vẫn đang thảo luận các quy định về công nghệ mới được Neuralink phát triển.

Smartphone trong não?

Chuyên gia BCI Tim Harris của Janelia Research Campus nhận định với công nghệ hiện nay thì Elon Musk sẽ phải cài cắm hàng trăm mạng lưới truyền tín hiệu vào sọ người thì mới có thể khiến thiết bị hoạt động ổn định.

“Đây là điều khiến tôi lo ngại nhất. Bạn sẽ phải đục bao nhiêu lỗ lên sọ người để BCI hoạt động tốt, và liệu chúng ta chịu được bao nhiêu thiết bị cài vào não mà vẫn có thể hoạt động hay cảm nhận bình thường?”, chuyên gia Harris lo lắng.

Năm 2021, một startup cũng trong ngành là Synchron đã được FDA cấp phép thử nghiệm trên não người nhưng chủ yếu dành cho mục đích chữa trị những người bị liệt nặng để điều khiển thiết bị máy tính hỗ trợ, ví dụ như máy phát giọng nói. Đến năm 2022, startup này đã thí nghiệm thành công và trở thành công ty đầu tiên cấy chip vào não người. Những tên tuổi lớn như Bill Gates hay Jeff Bezos đều là những nhà đầu tư cho Synchron.

Elon Musk thành lập Neuralink năm 2016 với tham vọng giúp con người có thể phát lại ký ức hoặc tương tác với máy tính qua chip trong não. Vị tỷ phú này cho biết nếu thành công thì thiết bị này có thể trở thành một smartphone trong não người, qua đó cung ứng những dịch vụ ngang tốc độ tư duy của cơ thể.

Để làm được điều này, Elon Musk đã áp văn hóa cứng rắn của mình, điều mà ông đã từng làm với Tesla, SpaceX và cả Twitter hiện nay, vào Neuralink để ép mọi người làm việc. Thế nhưng chính vì sự độc đoán này mà nhiều chuyên gia cùng khởi nghiệp trong những ngày đầu với Elon Musk tại Neuralink đã ra đi.

Nguồn tin của Fortune cho biết nhân viên tại Neuralink đang bị ép những thời hạn (deadline) phi thực tế.

“Ban giám đốc không hài lòng với tốc độ tiến triển của dự án mặc dù chúng tôi đã đạt được những thành công đáng kể”, một cựu nhân viên của Neuralink giấu tên nói với Fortune.

Theo chuyên gia Hanson của Janelia, người cũng từng nằm trong nhóm sáng lập Neuralink, cho biết có sự hiểu nhầm giữa tốc độ phát triển công nghệ dựa trên khoa học cơ bản và tham vọng của Elon Musk, qua đó dẫn đến những áp lực phi thực tế đè nặng lên vai nhân viên.

“Mọi người trong công ty đều khá áp lực và sợ hãi, đến mức rất nhiều người đã bỏ việc vì không thể tiếp tục”, một nhân viên Neuralink giấu tên cho biết.

Bất chấp điều đó, Neuralink vẫn tuyên bố sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong mảng cấy chip vào não người. Kể từ khi được thành lập, startup này đã gọi vốn được 360 triệu USD từ những tên tuổi lớn như Google Venture.

“Tôi sẽ không bao giờ mất niềm tin vào Elon Musk. Nếu có khó khăn cản trở Neuralink thì ông ấy sẽ tập hợp mọi người lại để giải quyết chúng”, nhà sáng lập Bob Nelsen của ARCH Venture Partners cũng đang đầu tư cho Neuralink nhận định.

*Nguồn: Fortune 


(0) Bình luận
Tham vọng cấy chip vào não người của Elon Musk gặp trở ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO