Nhà đầu tư ôm hận vì ham lãi nhiều
Thời điểm đầu năm 2022, thị trường bất động sản diễn biến sôi động, các đợt sốt đất liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa…
Theo đó, không ít người dù mới chỉ đầu tư một thời gian ngắn đã có lãi. Một số người đã nhanh tay chốt lời thu tiền về. Nhưng nhiều nhà đầu tư vì ham lãi tiếp tục nắm giữ. Đến nay, thị trường gãy sóng, những nhà đầu tư này lâm cảnh chật vật bán lỗ và ôm cả đống nợ.
Anh Quang Huy (Hà Nội) cho biết, cuối năm 2021, thấy thị trường bất động sản diễn biến sôi động nên đã xuống tiền mua một lô đất tại Hưng Yên có diện tích 200m2 với giá 4,5 tỷ đồng, tương đương 22,5 triệu đồng/m2. Trong đó, có gần 2 tỷ đồng là anh Huy vay ngân hàng.
Đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản càng thêm nóng. Theo đó, mảnh đất của anh Huy đã được một nhà đầu tư khác ngỏ ý mua lại với giá 5 tỷ đồng, tương đương lãi 20%.
“Mặc dù có lãi tới 1 tỷ đồng trong vòng khoảng 2 tháng nhưng thị trường lúc đó vẫn nóng nên tôi tính chưa bán vội. Tôi dự tính, nếu để tới cuối năm có thể sẽ lãi trên 50%. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng hơn 1 tháng, thị trường đột ngột trầm lắng do chính sách kiểm soát tín dụng, trái phiếu…Tôi nhanh chóng liên hệ môi giới nhờ bán lại mảnh đất nhưng không được”, anh Huy nói.
Đến nay, lô đất của anh Huy đang được rao bán với mức giá 3 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng neo cao, mỗi tháng anh phải trả hơn 20 triệu đồng cả gốc và lãi. “Công việc gặp khó khăn nên thu nhập bị giảm, coi như hàng tháng tiền lương của tôi chỉ đủ trả lãi. Bây giờ mong bán được sớm để tôi trả ngân hàng và thu tiền về. Nếu khi đó tôi không tham thêm tiền lãi thì cũng không khó khăn như này”, nhà đầu tư này nói.
Kể về thương vụ đầu tư cùng bạn bè vẫn chưa có hồi kết, anh Nguyễn Tuy (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chia sẻ, đầu năm 2022, anh cùng nhóm bạn góp tiền đầu tư đất nền ở nhiều tỉnh thành quanh Hà Nội. Chỉ sau một thời gian ngắn, các lô đất nhóm anh nắm giữ đều có lãi từ 10 - 20%, cá biệt có lô tới 30%.
“Có lãi nhưng chúng tôi đều thống nhất chưa bán đi và kỳ vọng mức lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, thị trường gặp khó, thanh khoản và giá đất liên tục sụt giảm. Tháng 10/2022, chúng tôi đã chốt bán lỗ 3 lô đất, còn giữ lại 6 lô chờ thị trường khởi sắc”, anh Tuy nói.
Nhưng, sau khi cầm cự nhiều tháng, thấy giá đất nền khắp nơi đều giảm giảm mạnh nên các thành viên trong nhóm của anh Tuy cũng cảm thấy lo lắng. “Chúng tôi đã đi khảo sát những mảnh đất tương tự của nhóm nắm giữ, mức giá đã giảm sâu. Cùng đó, khoản tiền vay đang khiến cả nhóm đều chung áp lực tài chính. Tôi và các cộng sự đã tìm mọi cách để tìm người mua trong thời gian sớm nhất nhưng tới nay đã nhiều tháng vẫn chưa thể bán. Có những lô đất được rao bán thấp hơn so với thời điểm mua vào đến 30%”, nhà đầu tư này kể.
Giao dịch bị trì hoãn
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp..., đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự.
Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản "đói vốn", phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.
Tuy nhiên, ông Hà nhận định, thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn. "Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải "giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu" nên rất dễ bị rơi vào tình trạng "đột quỵ". Thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thị trường sẽ dần ấm lên và hoạt động ổn định", ông Hà đánh giá.