Nội dung chính:
- - Cổ phiếu của Thai Airways đã bị buộc tạm ngừng giao dịch trên Sàn chứng khoán Thái Lan (SET) từ ngày 18/5/2021 do âm vốn chủ sở hữu.
- - Nhờ cứu trợ của Bộ Tài chính Thái Lan, Tòa án Phá sản Trung ương nước này ngày 15/6/2021 thông qua kế hoạch trả nợ và tái cấu trúc của Thai Airways, mở ra cơ hội cho hãng bay thoát khỏi cảnh bị hủy niêm yết.
- - Hai năm kể từ khi Kế hoạch Tái thiết Kinh doanh được thực thi, Thai Airways dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng 40% so với năm trước và có thể trở lại giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong hai năm tới.
Là hãng hàng không quốc gia của Thái Lan, nhưng Thai Airways vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán vì kinh doanh bết bát.
Thua lỗ nhiều năm trước đó, cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vốn chủ sở hữu âm 3,8 tỷ USD (cuối năm 2020) và có dấu hiệu không tuân thủ quy định của Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), cổ phiếu của hãng bay đã chính thức tạm ngừng giao dịch từ ngày 19/5/2021.
Thông tin về Thai Airways trên sàn chứng khoán Thái Lan. Nguồn: SET
Dù vậy, trên trang web của SET, Thai Airways vẫn là công ty đại chúng và hãng bay vẫn đang tuân thủ các quy định về công khai thông tin tài chính và hoạt động.
Hãng bay vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với khoản lãi sau thuế 12,5 tỷ baht, tương đương hơn 360 triệu USD. Vốn chủ sở hữu của Thai Airways đã giảm thâm hụt xuống còn gần 1,8 tỷ USD nhờ khoản lợi nhuận khiêm tốn này.
Bảo hộ phá sản
Ngay khi đứng trước nguy cơ không thể tự cứu mình được nữa, ngày 26/5/2020, Thai Airways nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan (CBC).
Sau nhiều lần tổ chức hội nghị chủ nợ với 49% khoản nợ là của nước ngoài, chủ yếu là Anh, Mỹ và Đức, Thai Airways đã đạt được nghị quyết với các chủ nợ bao gồm: phân loại chủ nợ theo tính chất và thứ tự ưu tiên trả nợ cũng như đạt được các điều khoản xóa hoặc giảm nợ.
Một năm sau ngày nộp đơn bảo hộ phá sản, Tòa án này đã thông qua Kế hoạch Tái thiết Kinh doanh của hãng bay, bao gồm trả nợ, thanh lý tài sản không dùng đến và cải thiện hoạt động kinh doanh.
Theo cập nhật mới nhất vào tháng 6/2023, hãng bay vẫn đang thực hiện kế hoạch trả nợ theo đúng tiến độ.
Tính đến tháng 4/2023, Thai Airways đã bán đi 6 máy bay và 4 động cơ không dùng đến. Đồng thời, hãng bay cũng bán đi gần 2.000 cổ phiếu của Công ty Vận chuyển Đường ống Nhiên liệu để thu tiền.
Hãng bay cũng cắt giảm một nửa số lượng lao động và giảm đội tàu bay xuống khoảng 40%.
Cơ hội tiếp tục giao dịch
Theo thông tin của Bloomberg từ năm ngoái, Bộ Tài chính Thái Lan sẽ hỗ trợ tài chính cho Thai Airways để tăng vốn lên 2,2 tỷ USD và hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nhằm giúp hãng hàng không quốc gia nước này thoát khỏi tình cảnh phá sản.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith nói thêm rằng Bộ Tài chính và một số cơ quan nhà nước khác sẽ tiếp tục duy trì cổ phần ít nhất ở mức 40%, nhưng tỷ lệ này sẽ không vượt quá 50% để thúc đẩy hãng bay duy trì tính cạnh tranh.
Về tình hình kinh doanh, ông Chai Eamsiri, CEO của Thai Airways cho biết hãng bay có thể hoàn thành Kế hoạch Tái thiết sớm hơn thời hạn.
Ông Chai Eamsiri, CEO mới nhậm chức hồi tháng Hai năm nay của Thai Airway. Ảnh: Bangkok Post
Theo báo cáo, hồi tháng Năm 2023, hãng bay bắt đầu có lợi nhuận và dòng tiền tháng Hai đang ở mức 30 tỷ baht (khoảng 870 triệu USD). Hãng cũng không cần vay thêm 25 tỷ baht theo như Kế hoạch.
“THAI đang ở vị thế liên tục tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh vì lượng khách hàng đang tăng cao”, ông Eamsiri cho biết hãng bay đang định mở rộng đội bay để đáp ứng nhu cầu. Báo cáo Thai Airways lượng khách của hãng bay trong quý I/2023 đạt hơn 3,5 triệu lượt, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
“Hãng bay sẽ được hưởng một năm tăng trưởng tuyệt vời, nhờ khách du lịch Trung Quốc trở lại trong khi thị trường hàng không vốn đã phục hồi”, ông Eamsiri lạc quan dự báo doanh thu 2023 Thai Airways tăng trưởng 40% so với năm ngoái và cho rằng cổ phiếu của hãng bay có thể trở lại giao dịch trong hai năm nữa.