Đã rất lâu từ thời nhà đầu tư phải trực tiếp đến văn phòng công ty chứng khoán, ký tá nhiều giấy tờ thủ tục để mở tài khoản giao dịch và sử dụng margin. Hiện nay, nhà đầu tư chỉ còn mất vài phút để hoàn tất các thủ tục gia nhập thị trường với những thao tác đơn giản trên điện thoại nhờ ứng dụng công nghệ eKYC. eKYC được những công ty chứng khoán lớn như SSI, VNDirect, Mirae Asset, VPS tiên phong triển khai cách đây 4 năm khi dịch COVID-19 nổ ra, nhanh chóng giải quyết tình thế giãn cách xã hội thời điểm đó, đồng thời giúp công ty chứng khoán tiếp cận khách hàng mọi miền tổ quốc, giảm thiểu chi phí vận hành, rủi ro gian lận.
Không thể phủ nhận, eKYC đã góp phần đáng kể trong việc đưa lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam vượt mốc 9 triệu. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều giải pháp chuyển đổi số trong ngành chứng khoán được triển khai trong 4 năm gần đây. Chuyển đổi số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ diễn ra trên diện rộng, bao phủ nhiều quy trình, nghiệp vụ của công ty chứng khoán, liên quan đến nhiều đối tác, bao gồm khách hàng nhà đầu tư/doanh nghiệp, khách hàng cung ứng dịch vụ/sản phẩm, nội bộ.
Chia sẻ từ bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Quản lý sản phẩm – Khối Bán lẻ, CTCP Chứng khoán SSI, quá trình chuyển đổi số không chỉ là triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại trên hệ thống nền tảng mà còn bao gồm cả việc chuyển dịch dần mô hình hoạt động từ cách cung cấp sản và dịch vụ truyền thống sang nền tảng số, thay đổi tư duy hướng đến tối ưu trải nghiệm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trên thực tế, nghiệp vụ môi giới với nhiều quy trình nhỏ nội bộ cộng với việc liên quan đến một lượng lớn khách hàng đã có thay đổi mang đậm chất công nghệ trong những năm gần đây như ứng dụng di động và nền tảng giao dịch trực tuyến đa tác vụ, Chatbot – trợ lý ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (marchine learning) và dữ liệu lớn. Khách hàng được cá nhân hóa trải nghiệm khi công ty chứng khoán tích hợp dữ liệu lớn để đưa ra khuyến nghị đồng thời triển khai giao dich thuật toán, sao chép giao dịch.
eKYC là giải pháp chuyển đổi số đã góp phần đáng kể trong việc đưa lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam vượt mốc 9 triệu
Về mặt tổng quan, các công ty chứng khoán đang hướng đến một nền tảng giao dịch một chạm giải quyết đa nhu cầu đến từ phía khách hàng, hướng đến giải pháp đầu tư toàn diện. Mô hình tài chính nhúng (embedded finance) đang cho phép kết nối giữa công ty chứng khoán với các đối tác như ngân hàng, bảo hiểm, hay các nền tảng fintech…
Song đó mới là những gì bề ngoài được thị trường nhận thấy, hoạt động chuyển đổi số còn đang thâm nhập sâu hơn vào các nghiệp vụ, vận hành, quy trình nội bộ của các công ty chứng khoán, đặc biệt là nghiệp vụ yêu cầu có tính bảo mật cao. Ví dụ, công nghệ điện toán đám mây đã giúp các đơn vị tối ưu chi phí đồng thời là phương án dự phòng cho sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch.
Bình luận về diễn biến hiện tại, theo bà Tâm, chuyển đổi số trong ngành chứng khoán Việt Nam đang tạo ra những thay đổi sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến hành vi và trải nghiệm của nhà đầu tư. So với trước đây, mọi khía cạnh từ việc tiếp cận thông tin thị trường, sản phẩm đầu tư, cho đến quyết định và thực hiện giao dịch đều đã có sự chuyển đổi toàn diện.
"Dù có một số thách thức, nhưng không thể phủ nhận việc chuyển đổi số đã góp phần tối ưu chi phí và cải thiện rõ rệt trải nghiệm cho nhà đầu tư, hướng đến sự tiện lợi, nhanh chóng và minh bạch hơn", Giám đốc Quản lý sản phẩm – Khối Bán lẻ SSI đánh giá.
Dự báo về xu hướng phát triển, đại diện từ SSI cho rằng fintech sẽ ngày càng hiện diện, công cuộc chuyển đổi số trong những năm sắp tới sẽ còn mạnh mẽ hơn và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ như blockchain, AI và IoT nhiều hơn trong các giao dịch tài chính.
Song, điều này không đồng nghĩ rằng một viễn cảnh đầy màu hồng trước mắt trong hoạt động chuyển đổi số ở ngành chứng khoán. Thừa nhận những giá trị và lợi ích lớn lao mà hoạt động này mang lại, song những người đứng đầu của các tổ chức đang phải đau đầu với các bài toán như việc thay đổi thói quen, bộ máy vận hành nội bộ. Thứ hai là sự kháng cự của khách hàng với những thay đổi trong trải nghiệm khi phát triển hoặc thay đổi trên nền tảng số. Cuối cùng, điều quan trọng nhất đó là nguồn lực để thực hiện, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu lớn, nguồn lực về con người, nền tảng công nghệ sẵn có.
Những thách thức còn đến từ bên ngoài, đơn cử như, nhà đầu tư lớn tuổi cần có thời gian để thích nghi, thay đổi thói quen sử dụng ứng dụng công nghệ, người trẻ lại phải đối mặt với lượng thông tin khổng lồ, trong khi chưa thể xây dựng "bộ lọc" về thông tin, kiến thức, dữ liệu từ sản phẩm công nghệ, gây quá tải, thậm chí rủi ro quyết định.
Cơ hội và thách thức đều song hành trong hoạt động chuyển đổi số của ngành chứng khoán. Để phân tích sâu hơn về bức tranh hiện tại và xu hướng phát triển fintech, chuyển đổi số ngành chứng khoán, nhà quản lý các công ty trong lĩnh vực này như SSI, DNSE, Finhay… sẽ tham gia phiên thảo luận về chủ đề này tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS) sẽ diễn ra trong hai ngày 3 – 4/12 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Sự kiện do hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính chứng khoán là Tập đoàn FPT và CTCP Chứng khoán SSI điều hành sự kiện. Ngoài Fintech, VTIS 2024 còn có ba chủ đề lớn khác là AI, Blockchain và Game.
Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, hơn 100 diễn giả tham gia 4 phiên thảo luận đến từ những tổ chức lớn, dẫn đầu trong lĩnh vực trên thế giới như Binance, OKX, JP Morgan Chase, Qualcomm, Google, AWS và trong nước như SSI Digital, SSIAM, VinAI, Zalo, FPTAI, cùng nhiều cái tên khác.
Chưa hết, VTIS 2024 còn có sự góp mặt của đại diện hơn 500 doanh nghiệp và hơn 20.000 người tham dự. Song hành với sự kiện chính, hội nghị còn có hơn 50 hoạt động bên lề khác như hội thảo với các chuyên gia đầu ngành, trình diễn thời trang, thi cosplay và âm nhạc…
Để theo dõi thông tin về Hội nghị, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin tại: https://vtis.io/ hoặc đăng ký tham gia: https://lu.ma/lf6fuot2.