Trong diễn đàn tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có “cơn gió nghịch” và bất động sản sẽ ảnh hưởng tời bối cảnh chung. Cụ thể, đó là lạm phát tăng và còn tăng dài; điều kiện tài chính xấu đi, các dòng vốn chưa rõ ràng; suy giảm tăng trưởng.
Ông Thiên phân tích, tăng trưởng năm 2023 xu hướng chung vẫn tiếp tục ảm đạm. Lạm phát vẫn tăng mạnh do giá lương thực và năng lượng tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Nga, nền kinh tế khu vực Euro tăng trưởng suy giảm và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Các đơn hàng xuất khẩu cũng đang có xu hướng giảm, khi chỉ số PMI toàn cầu có sự sụt giảm bắt đầu từ tháng 9/2022 và tác động mạnh đến Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cũng có lĩnh vực có lợi và lĩnh vực gặp bất lợi.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản thẳng thắn phân tích: Thị trường bất động sản suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Khó khăn của thị trường trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản và sau đó là gần 40 ngành nghề xem thị trường bất động sản là thị trường đầu ra, như ngành sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở...
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Theo vị lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang gặp phải một số điểm nghẽn. Đầu tiên là những vấn đề về pháp lý, theo Bộ Xây dựng, khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay đang bị vướng vào các vấn đề về pháp lý. Hơn 10 Bộ Luật cần được xem xét liên quan đến các vấn đề về đất đai, đầu tư, nhà ở.
Thứ hai, là nguồn vốn tín dụng, đặc biệt dành cho người mua nhà, cho thị trường người tiêu dùng.
Thứ ba, là các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác đang trục trặc.
Thứ tư, hàng hóa trên thị trường hiện nay đang có tính chất không phù hợp với nhu cầu, chủ yếu là những hàng hóa nằm ở phân khúc cao cấp.
Thứ năm, hệ thống thông tin của chúng ta còn rất yếu để phục vụ cho các hoạt động đầu tư mua sắm trên thị trường, chưa có nhiều kênh thông tin phù hợp.
Thứ sáu, là niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường đang bị sụt giảm.
Chỉ ra loạt điểm nghẽn, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Nếu chúng ta không tháo gỡ các điểm đã nêu trên sẽ không thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và làm khó cho kế hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia”.
Dẫu có nhiều điểm nghẽn, nhưng vị chuyên gia này cũng đặt ra sự lạc quan vào thị trường địa ốc 2023 dựa trên tháo gỡ quyết liệt của Chính phủ. Ông Đính dự đoán, đến quý 2/2023, thị trường sẽ phục hồi.
Nhìn về chuyển biến của thị trường những năm tới, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, dù còn khó khăn nhưng triển vọng của thị trường bất động sản là có. Ngoài ra, ông Thiên nhận định, thị trường địa ốc cần điều chỉnh, hạn chế đầu cơ quá đà, sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Có như vậy, thị trường mới có nền tảng phát triển tốt.
Ngoài ra, ông Thiên nhận định thêm, “mạch chung" của nền kinh tế vẫn rất tốt. Chính vì vậy vị chuyên gia khuyến nghị, thời gian tới, phải "bơm máu" cho nền kinh tế và phải có thái độ khác với lạm phát để giúp doanh nghiệp và giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định.