Chiều ngày 25/4, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (PT Retail, mã chứng khoán FRT) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất 48.100 tỷ đồng trong năm 2025, tăng trưởng 20% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, cao hơn 71% so với kết quả năm 2024. Nếu đạt được đây đều là các con số cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Tại đại hội, Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên cho biết đã hoạt động trên 3 lĩnh vực trong hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe (Nhà thuốc, xét nghiệm, tiêm chủng, khám chữa bệnh, thương mại điện tử, chăm sóc tại nhà, dinh dưỡng tập luyện, bảo hiểm).
Năm ngoái, Công ty có kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược cho mảng dược phẩm, thông qua chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn FPT Long Châu. Ông Kiên tiết lộ đã chính thức hoàn thành nhiệm vụ, với sự tham gia của đối tác Creador SDN Bhd.
Lãnh đạo FPT Retail nói đối tác sẽ đem đến nhiều thế mạnh, kinh nghiệm hoạt động không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều thị trường ở nước ngoài, kỳ vọng sự đồng hành của hai bên sẽ đem đến lợi ích và hiệu quả cao nhất.

Được biết, Creador là một quỹ đầu tư tư nhân thành lập năm 2011 và có trụ sở chính tại Malaysia, tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn tại các doanh nghiệp có mức tăng trưởng tốt ở Nam Á và Đông Nam Á với tài sản được quản lý hơn 3 tỷ USD.
Vào tháng 12 năm 2024, Creador Fund VI hoàn tất huy động vốn hơn 930 triệu USD, vượt mục tiêu 750 triệu USD đề ra trước đó. Hợp tác với Long Châu là bước tiến quan trọng đối với Creador, đánh dấu khoản đầu tư thứ 59 của quỹ này kể từ khi thành lập.
Hoạt động của Creador đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng lâu năm, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ, phương tiện truyền thông và dịch vụ kinh doanh.
Kể từ khi thành lập, Creador huy động gần gàn tỷ USD cho ba quỹ đầu tư tư nhân gồm quỹ Creador I, Creador II và Creador III.
Tại Việt Nam, từ năm 2018, người sáng lập – CEO của Credor ông Brahmal Vasudevan – cho biết muốn rót 100 triệu USD vốn vào Việt Nam. Ông cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng với sức tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và tinh thần kinh doanh của người Việt Nam. Chúng tôi thấy sự tương đồng với các nước Trung Quốc, Ấn Độ và coi Việt Nam sẽ trở thành nước BRIC tiếp theo (quốc gia có nền kinh tế mới nổi)”.
Lúc bấy giờ, Creador dự định đầu tư 20% giá trị của quỹ (100 triệu USD trên tổng số 500 triệu USD) vào thị trường Việt Nam. "Mở hàng" đầu tiên cho thương vụ đầu tư tại Việt Nam là việc Alstonia Costata Sdn. Bhd (một thành viên thuộc Công ty đầu tư tập trung Creador) đã đầu tư 994 tỷ đồng (tương đương 43,8 triệu USD) vào nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam – Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) và đây là khoản đầu thư thứ 29 của quỹ kể từ khi thành lập năm 2011.
.png)
Tại Đại hội năm ngoái, bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết FPT Long Châu sẽ bán cổ phần, hướng đến mục tiêu hệ sinh thái Health Care.
Đến ngày 30/7/2024, HĐQT Công ty đã thông qua việc lập công ty con do FRT sở hữu 100% vốn. Công ty này sẽ quản lý khoản đầu tư của Tập đoàn tại chuỗi dược Long Châu. Công ty mới có tên là Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu, vốn điều lệ 673,65 tỷ đồng. Trụ sở đặt tại 379-381 Hai Bà Trưng, P Võ Thị Sáu, Q3, Tp.HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Bạch Điệp.
Việc thành lập pháp nhân riêng quản lý vốn góp tại Long Châu nhiều khả năng FRT đang xúc tiến việc bán cổ phần chuỗi dược cho Long Châu. Chia sẻ về động thái này, phía FRT cho biết: "FRT đang thực hiện tái cấu trúc việc sở hữu Long Châu thông qua công ty đầu tư để phục vụ cho việc huy động vốn sau này. Về mặt tổng thể hợp nhất thì không phát sinh lãi lỗ".
Trở lại với chiến lược Health Care của Long Châu, Y tế dự phòng theo bà Điệp là bước quan trọng với quy mô hiện lên đến tỷ USD. Bởi, nếu bị viêm gan nếu không chuẩn đoán và điều trị sớm thì sẽ qua ung thư, giai đoạn tốn rất nhiều tiền và điều trị khó. Nên mảng Y tế dự phòng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, công sức cho người dân. Và FPT Long Châu đã có động thái cho khâu này như là Trung tâm vắc xin.
Long Châu còn có công nghệ khám chữa bệnh từ xa, gọi là dịch vụ 247 chăm sóc tại nhà sắp tới Long Châu sẽ làm. Dịch vụ này sẽ rất hữu ích cho các người lớn tuổi. Theo bà Điệp, "các bạn trẻ bây giờ thích ở riêng nhưng vẫn lo lắng cho cha mẹ có tuổi, điều này để Long Châu lo". Với dịch vụ 247, thì mỗi ngày cha mẹ chỉ cần chụp hình thì FPT Long Châu sẽ chuẩn đoán được tình trạng hôm nay có tốt không, có dấu hiệu gì đáng lưu ý không (nếu có thì FPT Long Châu sẽ tự động gửi cho người thân).
Về Long Châu, từ 4 cửa hàng nhà thuốc mua lại từ năm 2017, đến nay Long Châu đã bứt phá mở rộng lên hơn 2.000 cửa hàng, đứng đầu chuỗi bán lẻ dược phẩm xét về quy mô. Đây cũng là chuỗi dược đầu tiên công bố đạt được lợi nhuận hoạt động, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành loay hoay tìm kiếm mức hòa vốn.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research đánh giá Long Châu có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bán lẻ dược phẩm (bán nhiều loại thuốc kê đơn hơn giúp giành thị phần không chỉ từ các cửa hàng thuốc tư nhân nhỏ lẻ mà còn từ các nhà thuốc bệnh viện). Công ty còn tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng để giành thị phần, trong khi các đối thủ cạnh tranh đang thu hẹp do mô hình kinh doanh không phù hợp (chủ yếu tập trung vào thuốc không kê toa và mỹ phẩm).
SSI Research dự báo FPT Retail sẽ mở 400 nhà thuốc mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025 để giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ và các nhà thuốc bệnh viện, chiếm hơn 85% thị trường nhà thuốc.
Năm qua, Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 59% so với năm 2023, đạt 25.320 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn FPT Retail. Chuyên gia SSI định giá Long Châu vào khoảng 36.754 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD, FPT Retail hiện sở hữu 75% cổ phần). Giá trị doanh nghiệp của chuỗi FPT Shop chỉ 1.754 tỷ đồng (FPT Retail sở hữu 100%).