Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhận thức về sức khỏe của người dân được nâng cao đặc biệt sau đại dịch Covid-19… khiến y tế là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhất hiện nay.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì vị trí trong top 20 thị trường thiết bị y tế ổn định và bền vững nhất toàn cầu.
Điều này lý giải việc ngày càng nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư sâu vào thị trường y tế Việt.
Ngành dược thu hút loạt “ông lớn” gia nhập
Mới nhất, Tập đoàn dược phẩm Biocodex (Pháp) tuyên bố Việt Nam là thị trường chiến lược khi chính thức ra mắt công ty con là Công ty TNHH Biocodex Việt Nam tại Tp.HCM. Biocodex được biết đến là Tập đoàn dược phẩm có thâm niên 70 tuổi, là công ty tiên phong phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe dựa trên vi sinh vật có lợi - đặc biệt là chủng nấm men đặc hiệu Saccharomyces boulardii CNCM I-745, probiotic.
“Tập đoàn Biocodex quyết định chọn Việt Nam - quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là điểm đến đầu tư thành lập doanh nghiệp thành viên. Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của các sản phẩm của Công ty. Biocodex Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số lên gấp 3 lần trong vòng 5 năm tới”, ông Nicolas Coudurier - Tổng giám đốc Tập đoàn Biocodex – chia sẻ.
Với lần ra mắt này, lãnh đạo Biocodex khẳng định sẽ tích cực hợp tác với ngành y tế Việt Nam trong các hoạt động nâng cao sức khỏe cộng đồng. Biocodex Việt Nam sẽ cung cấp các giải pháp trong ba lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trọng tâm, bao gồm: chăm sóc hệ vi sinh; chăm sóc sức khỏe phụ nữ; giải pháp chăm sóc ban đầu và giảm đau.

Trước Biocodex, một “ông lớn” dược phẩm từ Anh Quốc – AstraZeneca - cũng đã và đang khai thác sâu tại Việt Nam. Thậm chí, tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đầu năm nay, ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam – còn bày tỏ “xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình”.
AstraZeneca cũng tuyên bố khoản đầu tư mạnh vào ngành y tế Việt Nam. Hiện, Công ty có 700 nhân viên và đang đầu tư 360 triệu USD (tương đươnghơn 9.000 tỷ đồng) từ năm 2020 đến năm 2030.
Sandoz - công ty lớn thế giới về thuốc tên gốc và thuốc sinh học tương tự - cũng đã công bố chính thức khai trương vào ngày 1/4/2024 với tư cách là một công ty độc lập tại Việt Nam sau khi đã hoàn tất thủ tục tách khỏi Novartis. Với động thái này, Sandoz chính thức khai trương hoạt động tại Việt Nam.
Theo Sandoz, thị trường Việt Nam là thị trường quan trọng và có vị trí đặc biệt ở Đông Nam Á, đồng thời là thị trường lớn nhất khu vực, năm sau dự vượt Thái Lan và lợi ích mang lại lên đến tỷ USD.
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), toạ đàm với chủ đề: “Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ” đã thu hút 15 tập đoàn dược hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp dược lớn của Việt Nam. Tại đây, các bên cho biết tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD năm 2025; dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026.
Hoạt động M&A cũng sôi động
Ở diễn biến khác, sức hấp dẫn của thị trường y tế của Việt Nam còn thể hiện qua loạt thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại với các công ty dược phẩm, chuỗi nhà thuốc, bệnh viện lớn.
Mới nhất, Quỹ đầu tư tư nhân Mekong Capital có trụ sở tại Việt Nam cho biết đã mua 13,74% cổ phần của Bệnh viện TNH, một công ty chăm sóc sức khỏe được niêm yết, theo báo cáo của DeelstreetAsia. Khoản đầu tư được thực hiện thông qua Mekong Enterprise Fund IV, một quỹ trị giá 246 triệu USD.
Thống kê cơ cấu cổ đông hiện tại của TNH cho thấy hơn một nửa vốn Bệnh viện đã nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại. Từ tháng 6/2024, ĐHCĐ của TNH đã thông qua việc đổi tên từ CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thành CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 49% lên 70%.

Về quỹ Mekong Capital, trước Bệnh viện TNH, danh mục đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của họ đã bao gồm Entobel, LiveSpo, Gene Solutions và Pharmacity.
Thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến nhiều thương vụ nổi bật có Warburg Pincus rót tổng cộng 2 tỷ USD ở Việt Nam và công bố đầu tư vào Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.
Tập đoàn Dongwha Pharm thâu tóm hơn một nửa vốn chuỗi nhà thuốc Trung Sơn và lên kế hoạch mở rộng quy mô bằng lần.
Đáng chú ý là thương vụ mua lại cổ phần kiểm soát của Bệnh viện FV với giá hơn 380 triệu USD của tập đoàn chăm sóc sức khỏe Thomson Medical Group của Singapore.
Trước đó, Raffles Medical Group mua phần lớn cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), với định giá 46 triệu USD.
Đầu năm 2024, TVM Capital Healthcare, CTCP tư nhân có trụ sở tại Singapore, cũng đã đầu tư vào Alina Vision, một doanh nghiệp chăm sóc mắt tại Việt Nam.
Hay tháng 4/2024, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Hệ thống phòng khám Nhi đồng 315 - chuỗi phòng khám nhi khoa và chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại Việt Nam....