Theo các thông tin được công bố, Tập đoàn xác định tập trung phát triển trên 3 trụ cột chiến lược là: Năng lượng-công nghiệp-dịch vụ, trong đó năng lượng là trụ cột cốt lõi, với sứ mệnh phát triển bền vững, đổi mới công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới.
Việc đổi tên là dấu mốc quan trọng của Petrovietnam sau 50 năm xây dựng và phát triển, đồng thời thể hiện cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của Petrovietnam trong quá trình chuyển đổi về chiến lược phát triển, mô hình hoạt động, khẳng định vai trò dẫn dắt, nền tảng, động lực của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng.
Tên gọi mới của Tập đoàn không chỉ phản ánh sứ mệnh mới, tầm nhìn mới mà còn thể hiện cam kết tiên phong của Petrovietnam trong đổi mới công nghệ, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hội nhập chuỗi năng lượng toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng việc đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam thể hiện sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của Tập đoàn trong suốt 50 năm qua.
Quan trọng hơn, Tập đoàn đã xác định được định hướng phát triển trong thời gian tới là mở rộng và nâng tầm hoạt động, không chỉ là lĩnh vực năng lượng mà còn cả công nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ tin tưởng Tập đoàn sẽ đảm nhận được trọng trách mới của mình.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao kế hoạch cũng như cam kết tiếp tục hợp tác khai thác hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phác thải giữa Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Petronas, góp phần hiện thực hoá mục tiêu chung của hai bên là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phó Thủ tướng hoan nghênh tinh thần chủ động và đổi mới của các bên trong việc tìm kiếm những mô hình hợp tác mới, từ phát triển hydro, điện khí, lưu trữ carbon đến mở rộng chuỗi giá trị trong ASEAN. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về một mạng lưới kết nối hạ tầng năng lượng khu vực bền vững và đa phương hơn.
Tại sự kiện công bố Quyết định đổi tên, Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) đã ký kết gia hạn Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA.
Dự án dầu khí Lô PM3 CAA trải qua 6 giai đoạn phát triển, đưa vào vận hành 178 giếng phát triển, 2 giàn công nghệ trung tâm (CPP), 2 tàu FSO và trên 10 giàn vệ tinh đầu giếng, cùng hệ thống đường ống dẫn khí PM3 CAA Cà Mau dài 298 km.
Tính đến hết năm 2024, dự án đã khai thác khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương 43 tỷ m3), trong đó gần 25 tỷ m3 khí đã được cung cấp cho Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển Tổ hợp khí – điện – đạm Cà Mau, đóng góp to lớn vào kinh tế xã hội khu vực Tây Nam Bộ.
Với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ USD, dự án đã tạo ra doanh thu dầu khí lên đến 24,8 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của cả hai quốc gia.
Việc gia hạn PSC tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm, từ 2028 đến 2047 thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí; hướng tới mục tiêu tối ưu khai thác tài nguyên hiện có, đồng thời mở ra cơ hội thăm dò các tầng sâu hơn, kết nối với các mỏ lân cận và quan trọng hơn cả – ứng dụng công nghệ thu gom và giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam.
Về tình hình sản xuất kính doanh, theo Petrovietnam, năm 2024 đánh dấu việc ba năm liên tiếp tập đoàn phá kỷ lục về tổng doanh thu, khi vượt mốc 1 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước COVID-19 (năm 2019), tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước.
Nộp ngân sách nhà nước đạt 165.000 tỉ đồng, chiếm gần 9% tổng thu và tăng 52% so với thời kỳ trước dịch. Lần đầu tiên tập đoàn đạt kỷ lục toàn diện về các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng, gồm doanh thu hợp nhất đạt 601.000 tỉ đồng, tăng 51%; lợi nhuận đạt 35.100 tỉ đồng, tăng 45% và lợi nhuận hợp nhất đạt trên 2,3 tỉ USD/năm.